NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (KỲ II): Khó di dời bởi “đất vàng”
Đường lối đã rõ ràng thế nhưng đến nay chỉ mới có hơn 25 cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, 67 cơ sở của di chuyển ra khỏi Hà Nội và hơn 100 cơ sở vẫn "chây ì" cố thủ trong nội thành.
17 năm sau khi có Quyết định số 64/2003/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch di dời nhà máy khỏi nội đô, đến nay hàng loạt nhà máy vẫn nguyên hiện trạng, gây ô nhiễm và bức xúc với người dân dù ngay sau khi có Quyết định này, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 74/2003 để thực hiện.
Nhà máy đi, chung cư đến
Đến năm 2012, Bộ Chính trị cũng ban hành nghị quyết số 12 nêu rõ thời hạn hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất này là đến năm 2020. Cùng thời điểm này, Luật Thủ đô 2012 cũng ra đời và quy định, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn 12 quận của thành phố có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cao phải di dời. Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời xác định lộ trình hết 2020 sẽ di dời toàn bộ 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.
Theo một khảo sát mới đây của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG): 98% ý kiến người dân ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đáng chú ý, khảo sát thực địa của PPWG tại 39 nhà máy thuộc diện di dời tại quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, cho thấy hiện mới có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và có tới 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề.
Trong đó có thể kể đến như khu căn hộ TNR Goldseason trên khu đất cũ của CTCP Dệt Mùa Đông, Chung cư Nam Đô Complex trên khi đất của Nhà máy cơ khí 120, hay 2 tòa nhà cao ốc 33 - 35 tầng trên khu đất sau di dời của Nhà máy cồn rượu Hà Nội… Hoặc Nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng với diện tích rộng 6,2 ha. Giá thị trường của lô đất này được ước tính vào khoảng 1.300 tỉ đồng. Kế hoạch di dời nhà máy về Hà Nam được phê duyệt từ chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Bên cạnh đó, CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển, CTCP Pin Hà Nội, CTCP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (đã di dời nhưng vẫn giữ đất cho các xưởng in thuê), HABECO, Cty CP bánh kẹo Hải Hà , Cty TNHH Nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Dệt Minh Khai... cũng chưa di dời.
Không chỉ có vậy, theo ghi nhận thực tế, không ít doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng om đất để cho thuê nhà xưởng đơn cử như Khu đất tại 460 Trần Quý Cáp của Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường, gây ô nhiễm nghiêm trọng và chưa thể giải quyết.
Chính sách chưa kịp thực tế
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng: Hà Nội đã có đầy đủ đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô nhưng quá trình thực hiện lại vẫn có tồn tại.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại một trong những điểm nóng di dời nhà máy những năm gần đây là Nhà máy thuốc lá Thăng Long, người dân khu vực này cho biết hàng chục năm qua họ luôn phải sống trong lo lắng về sức khỏe bởi mùi thuốc lá nồng nặng khắp khu dân cư. Người dân cũng đã nhiều lần gửi đơn phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng đến nay mới được giải quyết.
Được biết, hiện Công ty Thuốc lá Thăng Long gần như đã di dời xong nhà máy lên KCN Thạch Thất, tuy nhiên trên khu đất này theo một số thông tin sẽ được sử dụng cho mục đích đầu tư bất động sản.
TS.KTS. Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Một điều lạ là Hà Nội dường như đang dễ dàng quá mức trong việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng ngược, là gia tăng mật độ, gia tăng diện tích xây nhà cao tầng và cắt giảm diện tích không gian xanh, hồ nước, trong khi lẽ ra phải điều chỉnh theo hướng giảm. Đó là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, quy hoạch ở một số đô thị lớn mà chúng ta cần quan tâm và có giải pháp thích hợp.
Người dân mong mỏi không gian công cộng
Theo các chuyên gia, sau khi di dời, xí nghiệp sẽ được cấp một phần đất lớn hơn ở ngoại thành, do đó phần đất cũ sẽ phải trả lại cho thành phố và nhiệm vụ của thành phố là phải triển khai đúng quy hoạch. Nhưng các nhà đầu tư vẫn chỉ nhăm nhe xây dựng nhà ở vào chỗ đất trống kiếm lợi. Còn việc xây dựng công viên, hồ nước và diện tích mảng xanh lại đang bị “lãng quên” trong suốt thời gian qua.
Bà Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ, trong quá trình kết hợp cùng nhóm nghiên cứu PPWG khảo sát người dân về sử dụng đất sau di dời nhà máy, có tới 93% ý kiến cho rằng ưu tiên sử dụng làm công viên, vườn hoa; 43% ý kiến cho rằng nên sử dụng đất làm bệnh viện công cộng; 40,11% cho giáo dục...
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là nhiều người dân cũng thẳng thắn chi sẻ từ sau vụ cháy Công ty Phích nước Rạng đông, việc di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư mới được người dân chú ý đến. Bên cạnh đó, về các chỉ trương di dời cũng không nhiều người biết và không quan tâm đến việc địa phương có hay không việc tham vấn về sử dụng quỹ đất sau khi doanh nghiệp di dời nhà máy.
Bà Loan cũng cho biết, theo quy chuẩn của WHO, bình quân mỗi đầu người có 9m2 không gian công cộng, hiện nay Hà Nội chỉ mới đạt được 1/3 quy chuẩn trên. Theo bà Loan, cần chú trọng phát triển công viên, mặt nước, cây xanh, gia tăng không gian công cộng từ quỹ đất chuyển đổi từ di dời nhà máy, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và nhận ra giá trị kinh tế của sự hạnh phúc.
Có thể nói, việc di dời nhà máy và ưu tiên không gian công cộng đang bị “lãng quên” dù được nhắc rất nhiều lần. Lợi nhuận đáng kể từ các khu đô thị, chung cư đang được đặt lên hàng đầu mặc quá tải hạ tầng, chất tải đô thị.