Áp dụng sớm Luật Xây dựng sửa đổi: Doanh nghiệp mong ngóng từng ngày

LÊ SÁNG 05/08/2020 09:50

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo áp dụng ngay từ ngày 15/8/2020 một số quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp nhằm đối phó dịch COVID-19 lần 2.

Ngành Xây dựng cần

Luật Xây dựng sửa đổi cần sớm đi vào thực tế để "gỡ khó" cho doanh nghiệp 

Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua vào ngày 17/6/2020 đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Theo nội dung được thông qua, Luật Xây dựng (Sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng Quốc hội đã nhất trí việc một số quy định của luật sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn.

Những điểm mới sẽ được áp dụng ngay trong Luật Xây dựng sửa đổi gồm: Miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt.

Đối với điểm mới trong Luật Xây dựng sửa đổi quy định UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt được nhiều Kiến trúc sư nhận định là rất tích cực và sẽ giảm thời gian và những chí phí cho hoạt động đầu tư xây dựng cũng sẽ được cải thiện nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu rất nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đặc biệt, các doanh nghiệp xây dựng rất hoan nghênh quy định miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng.

Qua khảo sát, đại diện một số doanh nghiệp xây dựng và chủ đầu tư bất động sản thống nhất quan điểm cho rằng quy định này nếu được thực hiện triệt để sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian triển khai dự án và hiệu quả dự án được tốt hơn.

Lãnh đạo CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội cho biết thêm, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã rút ngắn được thời gian trong quá trình thực hiện dự án từ triển khai, phê duyệt, cấp phép... Đặc biệt là trong sửa đổi lần này có ghép phần thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công lại với nhau.

"Trên quan điểm của doanh nghiệp tư nhân nếu ghép được các bước lại với nhau hoặc cho phép làm song song giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian triển khai dự án và hiệu quả dự án được tốt hơn" - doanh nghiệp này cho biết.

Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện ngay các quy định mới theo Luật Xây dựng sửa đổi, một nội dung cũng được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đó là triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Theo đó, 2 nhiệm vụ trọng tâm quán triệt trong Nghị quyết 108/NQ-CP đó là cần hoàn thành việc rà soát ban hành các định mức xây dựng trước ngày 31/12/2020 cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành) và thực hiện công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP trước ngày 30/9/2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đối với việc triển khai Nghị quyết số 108/NQ-CP trong thực tế, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng còn chưa thực sự quyết liệt và sâu sát nên những vướng mắc và tồn tại liên quan đến Nghị định số 68/2019/NĐ-CP hầu như vẫn chưa được “thông tắc”.

Cũng theo vị này, trong thời gian tới khi mà dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì chắc chắn các doanh nghiệp xây dựng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nếu Chính phủ muốn khơi thông dòng vốn đầu tư công thì việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng một cách thực chất, hiệu quả là công tác mà doanh nghiệp đang mong, ngóng từng ngày.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Xây dựng 2020: Tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp bất động sản

    Luật Xây dựng 2020: Tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp bất động sản

    11:20, 10/07/2020

  • Luật Xây dựng 2020: Hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp xây dựng

    Luật Xây dựng 2020: Hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp xây dựng

    04:30, 25/06/2020

  • Luật Xây dựng sửa đổi

    Luật Xây dựng sửa đổi "mở cửa" cho doanh nghiệp xây dựng

    06:00, 23/06/2020

  • Miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi): Vi phạm có tăng?

    Miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi): Vi phạm có tăng?

    05:30, 19/06/2020

LÊ SÁNG