5 yêu cầu cho “Thành phố Thủ Đức”
Việc thành lập thành phố sáng tạo Thủ Đức không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế ở khu vực TP.HCM, mà còn là yếu tố kích thích phát triển thị trường bất động sản tại khu vực này.
Đề án “Thành phố Thủ Đức” dự kiến có diện tích 21.000ha và có hơn 1 triệu dân, thành phố mới đặc biệt này được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM thực hiện giấc mơ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ… mà gần 20 qua chưa thực hiện được.
Thứ nhất, để hiện thực hoá quy hoạch thành phố Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh. Không chỉ đơn giản là gom ba quận thành một theo cơ sở địa giới hành chính. Bởi thành phố Thủ Đức muốn trở thành động lực phát triển kinh tế, có chất lượng tri thức và đời sống cao thì cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược, tổng thể cho toàn vùng (bao gồm cả TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đô thị lân cận).
Thứ hai, hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu. Xây nhà từ móng, phát triển một thành phố phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng.
Thành phố sáng tạo và thành phố công nghệ không thể là thành phố suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống thì sẽ rất khó bật lên để trở thành thành phố sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, cần hiểu rõ các đặc trưng và tiềm năng của khu vực này để tìm ra được sự khác biệt giúp thành phố Thủ Đức ghi dấu ấn trong nước và quốc tế.
Thứ ba, chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố Thủ Đức cần đi kèm với chiến lược phát triển không gian. Cần có bộ khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho thành phố, xác định rõ các khu vực cao tầng, các khu vực điểm nhấn để kiến tạo hình ảnh, bộ mặt đặc trưng cho đô thị, đặc biệt là hình bóng đô thị (Silhouette/Skyline) mặt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
Quy hoạch thành phố mới cần dành chỗ cho các không gian công cộng (Public space), đặc biệt là dải đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Những công viên cảnh quan dọc hai bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.
Thứ tư, xây dựng cho thành phố những quy chế đặc thù để xây dựng nguồn vốn và thu hút đầu tư. Thành phố cần được tự chủ và tự quyết trong cả kế hoạch phát triển kinh tế, thu hút đầu tư lẫn quy hoạch không gian và phát triển hạ tầng. Để làm được như vậy thành phố Thủ Đức cần có sự đổi mới và tinh gọn trong bộ máy quản lý lẫn quyền được quản lý – giúp đô thị này thực sự năng động để bật lên so với các khu vực khác.
Cuối cùng, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức cần giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản trong khu vực đã lập kế hoạch, đang chờ phê duyệt và được phê duyệt trước đó. Để làm được điều này cần thành lập Hội đồng Quy hoạch và thiết kế đô thị thành phố Thủ Đức, hoạt động chuyên môn độc lập để khách quan đánh giá, tích hợp và điều chỉnh các dự án bất động sản với bản quy hoạch chung của thành phố.
Hội đồng này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản để cùng đẩy nhanh các thủ tục hành chính cho các dự án sau khi tích hợp với bản quy hoạch chung.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Trường Thọ là trung tâm thành phố Thủ Đức?
15:30, 24/08/2020
Phó Thủ tướng đồng ý thành lập Thành phố Thủ Đức
11:00, 18/08/2020
Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM: Hoàn toàn có cơ sở
04:00, 18/08/2020
Giấc mơ "thành phố phía Đông"
06:00, 11/06/2020
Đừng biến "Thành phố phía Đông" thành nơi nuôi dưỡng bất động sản
10:30, 06/06/2020