“Kéo” giá nhà về tay số đông người dân (KỲ I): Thị trường... quyết định giá
Giá nhà sẽ theo sau chính sách và được quyết định bởi thực tế thị trường, đó là quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam.
LTS: Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký văn bản báo cáo Quốc hội, trong đó công nhận giá nhà đất không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Đại diện Bộ này cũng khẳng định từ nay đến 2025 sẽ có nhiều cơ chế để kéo giá nhà tiệm cận với mức sống.
Vừa qua, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Quốc hội, trong đó ngành xây dựng đã chỉ ra tình trạng giá nhà đất không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân và nêu một số giải pháp nhằm kéo giá nhà hạ nhiệt.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng hiện nay giá nhà đất đang quá cao so với giá trị thực cũng như mức thu nhập của đại bộ phận người dân. Vậy quan điểm ông về vấn đề này ra sao?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo tôi, mức giá phù hợp là một khái niệm khá trừu tượng bởi giá nhà chung cư chẳng hạn, thông thường sẽ bao gồm các chi phí như: tiền đất, tiền xây dựng, chi phí bán hàng, vận hành quản lý, lãi vay ngân hàng (tiền vốn đầu tư) và lãi định mức của chủ đầu tư (CĐT).
Trong các chi phí trên thì hạng mục lãi định mức sẽ do các CĐT đưa ra, trong trường hợp có những dự án đã kéo dài 5-7 năm thì có thể CĐT họ sẽ tính luôn cả chi phí cơ hội vào lãi định mức để gộp vào giá bán.
Lãi định mức không nằm trong chuẩn nào và cũng không bị quy định nên các CĐT thường tính trong khoảng 10%, 15% hay 20%. Do đó để có thể đưa ra một mức giá “thật” cho một BĐS nhà đất là khá trừu tượng do không có công thức để xác định.
Trong thực tế, giá nhà đất, đặc biệt là nhà chung cư tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội đúng là đang tăng khá cao. Nếu cách đây 5 năm, khoảng năm 2016 tại dự án Tràng An Complex (Cầu Giấy-Hà Nội) CĐT bán ở mức 35-36 triệu đồng/m2 đã được xem là khá thì nay mức giá đó chỉ là phân khúc trung bình.
Theo tôi quan sát, hiện nay, phân khúc cao cấp phải từ hơn 40-60 triệu đồng trở lên và bản thân người mua nhà cũng dần quen và chấp nhận.
PV: Vậy theo ông, đâu là lý do đã đẩy giá nhà đất lên như vậy?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Trong cơ cấu giá thành, giá đất là yếu tố đầu tiên, dù giá đất không tăng nhưng các năm qua hệ số K đều tăng, thậm chí rất cao dẫn đến chi phí giá đất tăng cao nhiều lần.
Thứ hai là việc hiện các thủ tục pháp lý nhiều khi chưa rõ ràng, các dự án đều phải mất nhiều chi phí vô hình, “không chính thức” có những dự cả chục năm mới xong dẫn đến tăng chi phí tính vào giá bán.
Thứ ba và việc đội giá do chi phí chuyển nhượng dự án, ví dụ CĐT A bán một dự án cho CĐT B, khi đó, CĐT A đã tính lãi khi chuyển nhượng dự án, sau đó CĐT B sẽ tiếp tục cộng lãi đó vào chi phí vốn của dự án. Tất nhiên, cũng có một số dự án đầu tư trực tiếp, có thể giá còn chưa cao lắm nhưng lại bị mặt bằng chung của thị trường kéo lên.
Ngoài các yếu tố trên thì hiện nay do nguồn cung ra thị trường không nhiều trong khi nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao dẫn đến việc các doanh nghiệp BĐS đang có tâm lý tự tin neo giá ở mức cao.
Nếu như cách đây 5-7 năm nếu không bán được nhà thì các CĐT phải chấp nhận giảm giá, thậm chí bán lỗ để giải phóng hàng nhưng hiện nay nếu một dự án làm tốt, làm chuẩn thì CĐT sẽ kiên trì giữ giá, không giảm.
PV: Vậy những dự án nhà chung cư có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2 đang ở đâu thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo quan sát của tôi, nhà chung cư có tầm giá 25-30 triệu đồng /m2 hiện nay phải ra khỏi nội đô thành phố và tiến về các vùng ngoại ô hoặc lan sang hẳn các tỉnh khác. Tại các vùng này, giá đất không bị tính là đất đô thị cũng như ở đây số lượng dự án cũng sẽ nhiều hơn nếu so với nội đô qua đó tạo ra sự cạnh tranh giữa các dự án.
Rõ ràng, cách đây vài năm, mức giá 25-30 triệu đồng/m2 cho nhà chung cư là mức những dự án mức trung bình khá còn hiện tại thì thậm chí giá nhà ở xã hội cũng đã lên đến khoảng 20 triệu đồng/m2.
Có thể nói, chính những điều kiện thực tế của thị trường như đất vừa ít giá lại cao, thậm chí không có đã dẫn đến việc nhà chung cư mức giá 25-30 triệu đồng/m2 đang bị đẩy ra ngoài nội đô thành phố, cách ít nhất cũng 25-30km.
PV: Cuối cùng, theo ông đâu là lời giải cho bài toán kéo giá nhà xuống sát với thu nhập của đại bộ phận người dân như quan điểm của Bộ Xây dựng đưa ra mới đây?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Tôi chưa rõ Bộ Xây dựng sẽ đưa ra và áp dụng những biện pháp nào nhưng tôi cho rằng chúng ta đã xác định theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, tức là bên cạnh việc có những quan tâm đến mọi tầng lớp, đảm bảo sự công bằng chung nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố thị trường trong đó.
Trong trường hợp này, nếu Bộ Xây dựng có thể làm việc với các cơ quan quản lý, các tỉnh thành phố nhằm tạo những quỹ đất dành riêng với giá đất hợp lý để xây dựng các dự án nhà ở có mức giá bình dân (khoảng 20-30 triệu đồng/m2 – PV) thì mới khả thi được. Nếu chỉ là vận động, ưu đãi chung chung còn lại để tự thị trường tự vận động thì sẽ rất khó.
Một khi Bộ Xây dựng làm được việc như trên và các doanh nghiệp sẽ không phải tự đi mua đất, không phải tự lo thủ tục phức tạp thì chỉ cần lãi 7-8% các doanh nghiệp cũng sẽ thi nhau làm bởi lãi ít cũng còn hơn là không có việc làm.
Cuối cùng, tôi cho rằng giá nhà đất nói chung và chung cư nói riêng lên xuống là do thị trường, chúng ta không thể quyết định nó bằng mệnh lệnh hành chính, chỉ khi có một hành lang chính sách tốt, rõ ràng, minh bạch, các bên cùng có lợi thì doanh nghiệp tất yếu sẽ tham gia vào để đóng góp vào việc bình ổn giá nhà./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật nhà ở, gỡ "tắc" cải tạo chung cư cũ
08:00, 28/10/2020
Cần công nhận hoạt động cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn
05:00, 23/10/2020
Hà Nội: Tạm dừng quy hoạch khu chung cư cũ Giảng Võ
07:00, 19/10/2020
Chế tài xử lý chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư: TP.HCM đề xuất công an "vào cuộc"
14:15, 15/10/2020