Những "cỗ bê tông" bỏ hoang trên đất vàng (KỲ IV): Doanh nghiệp "tí hon" muốn hồi sinh Saigon One Tower
Mới đây, CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm đã đề xuất với UBND TP HCM về việc "hồi sinh" dự án Saigon One Tower.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Di sản Quốc tế Hồ Tràm được thành lập hồi tháng 11/2019, tức cách đây tròn 1 năm. Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 8, khu phố 4, phường Bình An, Quận 2, TP.HCM. Vốn điều lệ 300 triệu đồng, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.
Đáng chú ý, vốn điều lệ 300 triệu đồng nhưng tính đến cuối năm 2019, vốn thực góp của các cổ đông của Di sản quốc tế Hồ Tràm chỉ là 10 triệu đồng, tổng tài sản chỉ ở mức vỏn vẹn 8,94 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người đại diện pháp luật đồng thời nhận chức vụ Tổng giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Quốc Long sinh năm 1952 với 50% cổ phần. Người này cũng đang đứng tên tại CTCP Du lịch Hồ Tràm. Đây là doanh nghiệp từng gây rúng động thị trường năm 2014 vì đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dragon Best International (trụ sở tại Hồng Kông) để tham gia đầu tư vào 3 dự án lớn ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Thế nhưng các dự án này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh trước đó, Dự án Sài Gòn One Tower có diện tích 6.672,2 m2. Theo thiết kế ban đầu, tòa nhà sẽ có khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế với 34 tầng và khối căn hộ cao cấp. Tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỉ đồng).
Chủ đầu tư dự án là CTCP Sài Gòn One Tower, liên doanh của CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007 với kỳ vọng dự án tạo được tiếng vang và trở thành một trong những tòa cao ốc biểu tượng tại Sài Gòn. Theo dự kiến ban đầu, đây sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP HCM khi hoàn thành vào năm 2009 – cao trên 195 m.
Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án chỉ mới xây dựng xong phần thô thì bất ngờ bị ngừng thi công. Ước tính 80% khối lượng công việc đã được hoàn thành, kính bao tòa nhà cũng đã ốp gần hết.
Dự án được lùi thời gian hoàn thành dự kiến sang năm 2012, rồi 2013. Thế nhưng cho đến nay đã tròn một thập kỷ, nơi đây đã biến thành một "tòa nhà ma", một khối bê tông trơ trọi, hoang vắng và khiến người dân TP HCM không khỏi tiếc nuối khi nhắc đến.
Nguyên nhân chủ yếu mà công trình phải dừng lại do liên doanh cạn vốn. Ngân hàng Đông Á ký hợp đồng mua bán khoản nợ cho Cty Quản lý Tài sản (VAMC) với giá gần 680 tỷ đồng. Khoản nợ này có tài sản đảm bảo là một phần tài sản hình thành trong tương lai từ cao ốc Saigon One Tower (được định giá 723 tỷ đồng).
Sau đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ lần lượt thoái vốn, doanh nghiệp còn lại là CTCP Đầu tư địa ốc M&C rơi vào cảnh nợ thuế phải ngưng hoạt động.
Năm 2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower.
Đầu tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, tuy nhiên mức giá này không những không hấp dẫn được các doanh nghiệp mà còn bị phản đối và một số đơn vị đã đặt thấp hơn mức khởi điểm.
Hiện tại, công trình đã bị xuống cấp nặng nề, hệ thống thang máy, thang cuốn hỏng hóc, nhiều khối bê tông chuyển màu đen sì. Không những thế, vật tư, giàn giáo chất đống ngổn ngang, rào chắn từ bên ngoài cũng bị rỉ sét từ rất lâu.
Có thể bạn quan tâm
Đấu giá dự án Saigon One Tower: Kịch bản nào có thể xảy ra?
10:52, 02/04/2018
Những "cỗ bê tông" bỏ hoang trên đất vàng (KỲ III): Thu hồi khó, thanh lý... không dễ
08:00, 06/11/2020
Những "cỗ bê tông" bỏ hoang trên đất vàng (KỲ II): Xót xa Sài Gòn One Tower
08:00, 04/11/2020
Những "cỗ bê tông" bỏ hoang hàng thập kỷ trên đất vàng
08:00, 03/11/2020