Doanh nghiệp ỳ ạch cổ phần hóa vì đất vàng

LAM CHÂU 28/11/2020 08:00

Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước đang bị "ách tắc" phần lớn liên quan đến đất đai.

Theo ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang "ì ạch" vì lỏng lẻo trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa (Ảnh: Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).

Kẽ hở thất thoát ngân sách

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua quá trình kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá của 16 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020, định giá lại vốn Nhà nước đã tăng tới 15.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, thông tin từ Kiểm toán Nhà nước Khu vực V, trong giai đoạn 2017 – 2020, có 127 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa và hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020 mới tiến hành cổ phần hóa được 37 DNNN, bằng 28% kế hoạch đề ra. Số đơn vị còn phải thực hiện trong năm nay là 91 doanh nghiệp.

Đặc biệt, cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ, một số "ông lớn" như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được KTNN chỉ điểm là một trong những nguyên nhân khiến VICEM chưa thể cổ phần hóa.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, nhiều trường hợp cổ phần hóa chỉ nhằm vào đất đai, bởi thông thường quỹ đất của các doanh nghiệp nhà nước sở hữu là khá lớn và phân bố ở nhiều tỉnh thành.

Theo ông Ánh, có những quy định mới có khả năng ngăn chặn các nhà đầu tư với mục đích đầu cơ đất đai khi cổ phần hóa nhưng lại bị ban hành chậm. Trong khi đó nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp không muốn báo cáo một cách đầy đủ, rõ ràng về quỹ đất họ đang có, vì lợi ích riêng. Ngay cả chính quyền cũng không nắm rõ quỹ đất thực sự các doanh nghiệp này sở hữu, dẫn tới việc cổ phần hóa ì ạch từ năm này đến năm khác.

TS. Vũ Đình Ánh cũng lo lắng, cơn sốt đất đã vượt ra khỏi Hà Nội, TP.HCM, các đô thị lớn và đang đổ bộ vào các tỉnh lẻ. Nếu không chấn chỉnh hoạt động định giá, quản lý đất đai thì nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai khi tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới là rất lớn.

Cuộc đua săn đất vàng sau cổ phần hóa

Trên thực tế, những phiên đấu giá doanh nghiệp nhà nước sở hữu quỹ đất lớn đã nhận được sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư với mức giá cao chót vót, thậm chí một số chuyên gia cho biết doanh nghiệp càng thua lỗ càng hấp dẫn.

Trong đó có thể kể đến như trường hợp của Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC Corp) khi được một cá nhân chi ra tới 185 tỷ đồng để sở hữu 49% cổ phần, tương đương với 86.100 đồng/CP, gấp 8,6 lần mệnh giá được đưa ra.

Đáng chú ý, HEC Corp trước đó có tình hình kinh doanh không quá nổi bật, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 44 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này đã gây chú ý với quỹ đất vàng tại trung tâm Thủ đô Hà Nội như lô đất rộng gần 2.060 m2 tại số 2, ngõ 95 phố Chùa Bộc, hay lô đất gần 2.620 m2 tại số 95/8116 phố Chùa Bộc. Bên cạnh đó là các lô đất 4.359 m2 tại thị trấn Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên; lô đất rộng 2.905 m2 tại số 10 Tân Lập, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; lô đất rộng gần 4.607 m2 tại số 100 Mai Hắc Đế, TP. Vinh.

Hay như trường hợp của Công ty Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI)  trong phiên đấu giá hồi quý III/2019 cũng đã gây sốc khi doanh nghiệp này đang giao dịch cổ phiếu quanh mức 2.800 đồng/CP và thanh khoản hầu như không có nhưng doanh nghiệp này đã đưa ra 900.411 cổ phần ra bán đấu giá với giá 113.700 đồng/CP, gấp 40 lần giá giao dịch. Và điều gây sốc là các nhà đầu tư đã đăng ký mua đến hơn 1,2 triệu cổ phiếu trong lần chào bán đầu tiên.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, sức hấp dẫn của doanh nghiệp này đến từ khu đất công nghiệp rộng tới 81.88m2 tại KCN Hòa Khánh; 75.272 m2 đất tại đường số 3, KCN Hòa Khánh và nhiều khu đất trong quận Hải Châu, TP Đà Nẵng để làm cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên giá, đất đai là sở hữu nhà nước, giá trị lợi thế đất đai mang lại chính là tài sản nhà nước. Cần phải sớm hoàn thiện cơ chế, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, góp phần kéo sát giá trị đất đai tiệm cận với giá thị trường để bịt kẽ hở thất thoát trong cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, cần kiểm toán vào cuộc để xác định giá trị thật sự của doanh nghiệp để tính đủ giá trị đất đai doanh nghiệp, không để đất công hóa “đất ông” giá rẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Điểm tên loạt khách sạn cao cấp “mọc” trên đất công tại Khánh Hòa

    Điểm tên loạt khách sạn cao cấp “mọc” trên đất công tại Khánh Hòa

    08:30, 09/11/2020

  • “Nở rộ” đất công sử dụng sai mục đích ở TP.HCM

    “Nở rộ” đất công sử dụng sai mục đích ở TP.HCM

    04:00, 13/09/2020

  • TP.HCM: Sớm xử lý khiếu nại tại dự án đất công biến thành

    TP.HCM: Sớm xử lý khiếu nại tại dự án đất công biến thành "đất ông"

    05:00, 26/08/2020

  • “Ì ạch” cổ phần hóa: 5 năm mới thành công 37/177 doanh nghiệp, vì đâu?

    “Ì ạch” cổ phần hóa: 5 năm mới thành công 37/177 doanh nghiệp, vì đâu?

    04:30, 25/11/2020

  • Cần linh hoạt thoái vốn, cổ phần hóa

    Cần linh hoạt thoái vốn, cổ phần hóa

    11:30, 13/11/2020

  • Cổ phần hóa DNNN: Khó về đích!

    Cổ phần hóa DNNN: Khó về đích!

    04:00, 19/10/2020

LAM CHÂU