Ai đứng sau dự án khu đô thị nghìn tỷ vừa được Hà Nội “sang tên”?
Dựa trên đề nghị của các cơ quan chức năng, UBND TP Hà Nội vừa ra quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 với diện tích nghiên cứu quy hoạch hơn 182ha.
Ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký ban hành quyết định số 5269/QĐ-UBND sửa đổi nội dung Quyết số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 1.820.433m2 đất tại các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai giao cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.
Theo đó, quyết định của UBND Tp. Hà Nội đã điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 (theo Quyết định 3128) từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Công ty CP (CIENCO 5).
Quyết định 5269/QĐ-UBND được ban hành đã thu hút sự chú ý đặc biệt khi UBND thành phố Hà Nội đã thay đổi quyết định giao đất sau 12 năm ở một dự án nghìn tỷ và dư luận cũng đặt câu hỏi về cái tên CIENCO 5 vừa được Hà Nội “sang tên” dự án đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 là ai?
Màn hợp nhất mang tên CIENCO 5 - Hải Phát
CIENCO 5 được thành lập năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại 1 số đơn vị xây dựng cơ bản đã được điều động từ Khu quản lý đường bộ 5. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đường bộ, công trình cầu và kinh doanh bất động sản hạ tầng khu công nghiệp...
Vào tháng 3/2020, khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội phát đi thông báo về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC sẽ đưa 17,56 triệu cổ phần Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 5 (Cienco5) tương đương 40% số cổ phần ra bán đấu giá trọn lô thì Bản Công bố thông tin đã hé lộ nhóm cổ đông đang nắm quyền chi phối tại CIENCO 5.
Theo đó, tại thời điểm ngày 31/10/2019, ngoài SCIC đại diện cho phần vốn của Nhà nước, Cienco5 còn 2 cổ đông lớn khác thuộc nhóm Hải Phát là CTCP Đầu tư Hải Phát sở hữu 16.980.500 cổ phần tương ứng 38,68% vốn điều lệ và CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô sở hữu hơn 6,8 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 15,5%.
Đối với Hải Phát, ngay từ thời điểm năm 2018 khi công ty này chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã từng thông tin về việc sẽ nâng sở hữu tại một số công ty con, công ty liên kết để hợp nhất vào kết quả kinh doanh công ty mẹ. Theo đó, hai công ty thuộc diện “tầm ngắm” gồm Cienco5 và Hải Phát Thủ Đô, đây là những doanh nghiệp mà Hải Phát Invest và cổ đông liên quan hiện nắm giữ 60% cổ phần, dự kiến sẽ tiếp tục nâng sở hữu lên 100%.
Như vậy, tại phiên đấu giá bán trọn lô 40% cổ phần CIENCO5 của SCIC dù HNX chỉ công bố có 1 nhà đầu tư trúng đấu giá trọn lô với mức giá 19.500 đồng/1 cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/1 cổ phần nhưng nhiều nhà phân tích nhận định không loại trừ khả năng chính Hải Phát đã thâu tóm lô cổ phần nói trên từ SCIC trong đợt thoái vốn này.
Theo thông tin công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất (tháng 8/2019) của CIENCO5 thì hiện nay, ban lãnh đạo của Hải Phát đã khá “chắc chân” trong cơ cấu của CIENCO5. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phương, PCT HĐQT của Hải Phát hiện là Chủ tịch HĐQT CIENCO5. Còn ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát hiện cũng là Thành viên HĐQT của CIENCO 5.
Về mối quan hệ giữa CIENCO 5 và CIENCO5 Land thì theo bản Công bố thông tin do chính CIENCO5 phát hành trong đợt SCIC thoái 40% vốn hồi tháng 3/2020, trong danh sách 12 công ty liên kết của CIENCO 5 không có tên Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).
Có thể bạn quan tâm