Đấu giá đất có điều kiện

LÊ SÁNG thực hiện 02/12/2020 11:50

Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản vừa ban hành đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng về đảm bảo giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Sự ồn ào vẽ “dự án ma” rồi “bán lúa non” trên đất đấu giá tại các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Ninh… cho thấy rất nhiều hệ lụy tiềm tàng của việc thực hiện chính sách đấu giá đất tại các địa phương thời gian qua. Đây là chia sẻ của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Trước thực trạng các địa phương đã liên tục tổ chức đấu giá đất. Rất nhiều người đang lo lắng việc này chẳng khác nào “cạp đất mà ăn”, chưa sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai vốn hữu hạn, thưa ông?

Đầu tiên, phải xác định việc đưa đất ra thị trường là để phục vụ quá trình đầu tư, phát triển. Việc đấu giá đất không phải là để thu tiền mà nó phải căn cứ vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương như thế nào.

Các địa phương cần xác định rõ, nếu bán đất lấy tiền thì chẳng qua là đem tài nguyên ra để “ăn” thôi. Trong khi, mục tiêu hàng đầu là phải phục vụ quá trình đầu tư phát triển sao cho mang lại hiệu quả KT-XH tốt nhất. Do đó nó phải căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch, chiến lược đầu tư phát triển, rồi phải sử dụng sao cho tiết kiệm, đạt hiệu suất sử dụng là cao nhất.

- Việc đấu giá đất chưa căn cứ dựa trên quy hoạch phát triển KT-XH và nhu cầu của người dân có phải là nguyên nhân chính khiến các khu đô thị bỏ hoang, thưa ông?

Chúng ta cần phải đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách sử dụng đất thời gian vừa qua. Theo đó, Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan kiểm đếm tất cả đất đai sử dụng vào mục đích công như xây trụ sở cơ quan, giao đất không thu tiền.

- Từ năm 2013, chúng ta đã sắp xếp lại mô hình tăng trưởng, trong đó có việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhưng tất cả các chính sách đó đến nay vẫn chưa có tổng kết đã thực hiện thế nào, còn hạn chế gì?

Trong khi các địa phương cứ thiếu ngân sách thì đem đất ra đấu giá mà đấu giá thì người ở nơi khác đến mua đầu cơ là chính chứ không phải đáp ứng cho người địa phương. Họ mua xong để đấy, đầu cơ làm tăng giá dẫn đến nhiều hệ lụy.

Các địa phương cần sớm tổng kết lại hoạt động đấu giá đất, xem nó thu được bao nhiêu tiền, chiếm bao nhiều % ngân sách của các địa phương, rồi tiền đó được sử dụng vào việc gì, bao nhiêu thửa đất đấu giá xong không được sử dụng...

 Dự án The Hills Villa phường Tân Lập, TP Thái Nguyên do một số cá nhân đấu giá trúng sau đó vẽ ra dự án nhằm thổi giá. Ảnh: Việt Anh

Dự án The Hills Villa phường Tân Lập, TP Thái Nguyên do một số cá nhân đấu giá trúng sau đó vẽ ra dự án nhằm thổi giá. Ảnh: Việt Anh

- Thực trạng trên đặt ra viễn cảnh sớm muộn các địa phương sẽ không còn đất để mà đấu giá nữa. Theo ông các địa phương cần tư duy và tiếp cận vấn đề đấu giá đất hiện nay ra sao?

Việc đấu giá đất ồ ạt đôi khi chỉ thỏa mãn việc tăng ngân sách địa phương trong giai đoạn trước mắt, tương lai sẽ không còn chỗ để thu nữa. Theo đó, nhất thiết hoạt động đấu giá đất phải được căn cứ vào quy hoạch phát triển.

Đơn cử như đất ở được sử dụng bao nhiêu, chuyển đất nông nghiệp sang đất ở là chỉ để giải quyết cho vấn đề tăng quy mô dân số, tăng hộ gia đình ở nông thôn, đừng tính đến chuyện cho người khác đến mua đất để đầu cơ.

Do đó, đấu giá đất nhiều khi phải thực hiện theo cách thức có điều kiện, chứ không phải cứ thế mang ra đấu giá, người tham gia đấu giá phải là những người thiếu nhà ở thực sự tại địa phương, không thể cho các thành phần ở tất cả các nơi ồ ạt đến đấu rồi để đất không.

Tựu chung lại, quan trọng nhất là quan điểm chính sách, đất đai phải là yếu tố phục vụ cho phát triển tại địa phương, căn cứ trên các chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH rồi quy hoạch cụ thể trên bề mặt đất như thế nào mới là những luận cứ để đưa đất ra đấu giá.

Hiện nay, hệ thống hành lang pháp lý quy định về việc này dù đã có chỉ có vấn đề chúng ta thực thi đôi khi còn bị xiên xẹo khiến đấu giá đất không phải để đáp ứng những mục tiêu ban đầu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương cần tiến hành tổng kết lại vấn đề đấu giá đất.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 40 của Thủ tướng, mỗi địa phương cần có đối sách phù hợp trong việc thực thi chính sách đấu giá đất hiện nay. Bởi hậu quả của việc đấu giá đất tràn lan là triệu tiêu các nguồn lực phát triển của các địa phương trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

KTS.TS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam:

Tình trạng phát triển nóng, ồ ạt của các dự án bất động sản tại các tình vùng ven chính là hệ quả của tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm của chính quyền một số nơi. Việc liên tục đấu giá đất, trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư, không căn cứ dựa trên định hướng phát triển của tỉnh, nhu cầu của người dân đã tạo nên những khu đô thị bỏ hoang, sự lãng phí rất lớn về tài nguyên. Chạy theo tăng trưởng nóng bằng tầm nhìn “nhiệm kỳ” sẽ không thể tạo ra sự phát triển bền vững mà chỉ sinh ra bản quy hoạch lộn xộn và dư thừa.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:

Với thực trạng quỹ đất nội thành đang dần cạn kiệt, dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư bất động sản đang chảy mạnh vào các tỉnh lẻ. Các lãnh đạo địa phương cũng tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, việc phát triển dự án phải có lộ trình quy hoạch cụ thể, thẩm định năng lực chủ đầu tư kỹ càng. Thực tế thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp ôm đất chỉ vì đầu cơ sinh lời từ giá đất, trong khi năng lực hạn chế.

LÊ SÁNG thực hiện