Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: Quyết định giao đất cho Cienco 5 Land là đúng luật
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội khẳng định: UBND tỉnh Hà Tây giao đất cho Công ty cổ phần Cienco 5 Land là đúng luật.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngày 25/11/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 5269 điều chỉnh quyết định hành chính số 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây cũ về việc thu hồi và giao cho Công ty cổ phần Cienco 5 Land hơn 182 ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết: Theo quy định của pháp luật nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư dự án BT hoặc BOT mà phải thành lập một pháp nhân thay mặt nhà đầu tư để đầu tư dự án BT, BOT.
Quyết định 5269 của UBND TP Hà Nội sửa nội dung quan trọng nhất của quyết định 3128 là chủ thể được giao đất. Theo đó, UBND TP Hà Nội sửa tên chủ sử dụng đất trong quyết định 3128 từ Công ty cổ phần Cienco 5 Land thành Tổng Công ty công trình giao thông 5. Với việc sửa nội dung quyết định hành chính này, chủ sử dụng đất là Công ty cổ phần Cienco 5 Land bỗng nhiên mất trắng hơn 182ha đất được giao cách đấy 12 năm. Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty công trình giao thông 5 được hưởng thụ 182 ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.
Đằng sau chuyện sửa quyết định hành chính đã có hiệu lực 12 năm qua là nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Tổng công ty công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần Cienco 5 Land liên quan đến dự án đường trục phía Nam được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và các dự án hoàn vốn là dự án Khu đô thị Thanh Hà A, Khu đô thị Thanh Hà B và dự án khu đô thị Mỹ Hưng.
Ông Tuyến lý giải, sở dĩ có loại hình đầu tư BT, BOT là do trong điều kiện tài chính hạn chế nên Nhà nước phải thực hiện xã hội hóa bằng cách kêu gọi các DN thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào dự án mang tính chất xây dựng hạ tầng, sau đó Nhà nước đổi lại quyền sử dụng đất. Hình thức đó chỉ áp dụng trong 1 giai đoạn khi ngân sách các địa phương, trung ương chưa đủ thì xã hội hoá, khi các địa phương cân đối được ngân sách thì dừng.
Pháp luật quy định như vậy để thấy rằng nhà đầu tư phải là DN có năng lực tài chính. Đối với dự án cụ thể phải thành lập pháp nhân để thực hiện các dự án để quản lý. Vấn đề thứ hai phải có tư cách pháp nhân bởi vì giao đất, ký hợp đồng, thuê khoán các đơn vị thi công thì phải có con dấu, phải có tài khoản. Cá nhân không thể đứng ra làm việc đó được.
- Như ông phân tích việc phải thành lập một pháp nhân thay mặt nhà đầu tư thực hiện dự án thì rõ ràng UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất cho Cienco 5 Land là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật?
Đúng vậy! Năm 2008, việc thực hiện hình thức đầu tư trên của tỉnh Hà Tây là phù hợp chủ trương của Đảng và cách thức giao đất của tỉnh Hà Tây phù hợp với quy định của Luật đất đai thời điểm đó.
Trên thực tế doanh nghiệp đấy mới là người trực tiếp sử dụng đất. Một trong những nguyên tắc của Luật đất đai là giao đất cho doanh nghiệp trực tiếp có năng lực sử dụng chứ không phải là giao đất xong không có năng lực sử dụng sau đó chuyển nhượng, chạy dự án bán chênh lệch thì chuyện đó pháp luật cấm.
- Đối với các dự án BT, BOT nhà nước giao đất cho doanh nghiệp dự án hay nhà đầu tư là vấn đề có ý kiến khác nhau trong trường hợp dự án đường trục phía Nam. Quan điểm của ông như thế nào?
Luật đất đai không có nhiệm vụ phải đi xác định chủ đầu tư là gì, nhà đầu tư là gì mà tất cả những lĩnh vực liên quan đến đầu tư dẫn chiếu theo Luật Đầu tư, Luật đất đai là luật chuyên ngành chỉ xử lý câu chuyện anh là chủ đầu tư, anh có giấy phép, anh đáp ứng được các yêu cầu pháp luật đầu tư thì UBND tỉnh thấy sử dụng mục đích, đúng mục đích và đáp ứng được câu chuyện đó và phù hợp với quy định pháp luật thì giao đất cho anh.
- Vậy ông có bình luận như thế nào về câu chuyện quyết định giao đất gây bất lợi cho doanh nghiệp nhìn từ câu chuyện của Cienco 5 Land?
Dù chưa biết quyết định đúng hay sai nhưng việc điều chỉnh ảnh hưởng đến quyền lợi của DN thì DN phải phản ứng vì pháp luật quy định DN được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Mà từ năm 2008 đến nay DN đã đầu tư nhiều tiền, giờ bằng một quyết định hành chính lấy đất giao cho người khác thì tôi cho rằng ở đây câu chuyện bồi thường chắc chắn phải được đặt ra.
Thủ tướng nói Nhà nước kiến tạo, Nhà nước đồng hành, tôi cho rằng ở đây muốn hay không phải đặt ra câu chuyện bồi thường, còn cụ thể bồi thường như nào phải nói chuyện với nhau, thậm chí ra tòa án, và DN phải có động tác bảo vệ quyền lợi của mình, cần làm rõ căn cứ pháp lý ra quyết định đấy sửa đấy.
- Vâng! Xin cảm ơn ông.