BÊ TÔNG HOÁ KHU DU LỊCH: Đừng biến “mũi nhọn” thành “mũi tù”

DIỆU HOA 20/12/2020 12:00

Nhiều địa phương vẫn xem du lịch là ngành “mũi nhọn” nên cố ra sức mài “mũi” này thật nhọn, tuy nhiên điều này cũng dẫn đến việc đưa các điểm du lịch vào trạng thái nguy hiểm.

TS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

TS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh, trong quản lý và khai thác các điểm du lịch, có hai thông số quan trọng mà chúng ta ít để ý hoặc biết nhưng cố tình không để ý là “khả năng chịu đựng” và “giới hạn đàn hồi”.

TẤT CẢ ĐỀU CÓ GIỚI HẠN

Chúng ta có thể hiểu các khái niệm này thông qua hình ảnh một cái lò xo. Khả năng chịu đựng là khả năng chịu lực kéo của cái lò xo. Tuy nhiên, nếu kéo lò xo vượt qua một giới hạn nào đó thì lò xo sẽ bị giãn ra và không thể quay trở lại trạng thái ban đầu, nghĩa là mất đi phần nào tính đàn hồi, thậm chí là mất hoàn toàn và chúng ta phải bỏ đi, không thể sử dụng được nữa. Dùng hình ảnh như vậy để thấy tình trạng các khu vực cảnh quan du lịch của chúng ra hiện nay khi mà hầu hết chúng ra đang kéo chúng ta hết cỡ.

Như vậy, sau những ồn ào của Sa Pa, Tam Đảo, với sự tương đồng phần nào với Sa Pa, lại trở thành địa điểm tiếp theo tiếp hứng chịu cơ đổ bộ của bê tông. Rõ ràng, những điểm có điều kiện cảnh quan đẹp, khí hậu thoải mái thì luôn thu hút người dân đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu số lượng quá đông, vượt qua khả năng chịu đựng của địa điểm thì sẽ làm cho địa điểm đó biến dạng, khó hoặc không thể khôi phục lại về trạng thái ban đầu.

Một điều hiển nhiên là không ai muốn rời xa những thành phố ngột ngạt với những khối bê tông và khói bụi ô nhiễm để đến nghỉ ngơi, thay đổi không khí ở một nơi cũng “toàn nhà là nhà, toàn người là người”. Nói cách khác, liệu chúng ta có muốn trải qua một kỳ nghỉ ngơi, du lịch giữa những khối bê tông mặc dù chúng nằm ở một địa điểm khác, cho dù địa điểm đó được xem là “đẹp”?

Tổ hợp khách sạn Grand Victory Hotel cao 13 tầng nổi và 1 tầng hầm tại trung tâm thị trấn đang triển khai đầu tư xây dựng nguy cơ gây phá vỡ quy hoạch

Tổ hợp khách sạn cao 13 tầng nổi và 1 tầng hầm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo đang triển khai đầu tư xây dựng nguy cơ gây phá vỡ quy hoạch

“Không thể phủ nhận những nguồn lợi kinh tế cho các địa phương từ việc khai thác, phát triển du lịch tại các địa điểm, không gian cảnh quan đẹp, hấp dẫn và khác lạ. Song, vấn đề là nhiều địa phương vẫn xem du lịch là ngành “mũi nhọn” nên cố ra sức mài “mũi” này thật nhọn. Điều này đã dẫn đến việc đưa các điểm du lịch vào trạng thái nguy hiểm, đẩy địa điểm đối mặt với những nguy cơ quá tải, biến dạng do mất khả năng phục hồi.

Tam Đảo cũng vậy, nếu tình trạng bê tông hóa vẫn tiếp tục mà không có sự kiểm soát, quản lý hiệu quả, địa điểm này sẽ mất đi tinh thần của địa điểm, mất đi những giá trị hấp dẫn vốn có về mặt cảnh quan - một trong những yếu tố quan trọng để ngành du lịch khai thác. Rõ ràng trong tình huống xấu nhất, du lịch Tam Đảo từ mũi nhọn có thể trở thành “mũi tù”, và một khi đã “tù” rồi thì rất khó “nhọn” trở lại” – ông Tùng bày tỏ quan điểm.

BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ

Thực tế cho thấy hiện có một vòng quan hệ được liên kết chặt chẽ với nhau bởi 3 chủ thể quan trọng: Chính quyền quản lý quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, chủ dự án đầu tư các công trình xây dựng, và người dân du lịch hưởng thụ các thế mạnh của địa điểm, các không gian kiến trúc công trình.

Theo ông Tùng, để chặn tình trạng bê tông hóa, giữ được sự nguyên sơ, tự nhiên của các điểm du lịch. Đầu tiên, vẫn là sự cương quyết và nghiêm túc trong quản lý. Người ta vẫn hay đổ lỗi cho việc thiếu các khuôn khổ pháp lý. Tuy nhiên, tại những khu du lịch, quy hoạch luôn được phủ bởi cả hệ thống quy hoạch phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị lẫn quy hoạch phát triển du lịch, đi kèm với hàng loạt các quy chế, quy định.

Một dự án nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại

Một dự án nghỉ dưỡng ven biển Hội An

Do đó, vấn đề thường lại không nằm ở hệ thống pháp lý này mà ở chính quyền - những người thực thi hệ thống pháp lý đó, tức là do con người. Vì áp lực tăng trưởng, vì những nguồn lợi kinh tế mà các dự án mang lại, và vì nhiều lý do “khách quan” khác nữa, các nhà quản lý đôi lúc “làm ngơ” và không gì nguy hiểm nhất là “người làm luật tìm cách lách luật”.

Thứ hai, các chủ dự án luôn lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam trong việc phát triển các dự án, đặc biệt là những khu vực có tiềm năng khai thác du lịch. Với những khoản lợi nhuận kếch xù, các chủ dự án tìm mọi cách khai thác tối đa các nguồn lợi tự nhiên “của chung” để biến thành những giá trị vật chất “của riêng”. Nói cách khác, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận cá nhân trước mắt thay vì là lợi ích lâu dài của xã hội, của cộng đồng.

Thứ ba, sau một thời gian khó khăn, cuộc sống được cải thiện, người dân bắt đầu quan tâm đến việc du lịch nhưng vẫn theo “tâm lý bầy đàn”. Nghĩa là nơi nào càng đông thì nghĩ rằng nơi đó càng hấp dẫn nên đưa ra quyết định theo số lượng người đến du lịch thay vì theo chất lượng các không gian, sản phẩm du lịch.

Nếu thêm một dự án được phê duyệt, chính quyền sẽ thêm hoàn thành kế hoạch, nhà đầu tư có thêm lợi nhuận, và người dân có thêm nơi lưu trú nghỉ ngơi. Như vậy, có vẻ tất cả các bên đều được lợi và chỉ có một điều mất duy nhất là cảnh quan tự nhiên của địa điểm. Đây chính là một nghịch lý.

“Do vậy, để giải quyết tình trạng trên, cần cân bằng cầu của 3 chủ thể nói trên với khả năng cung của “chủ thể” thứ tư chính là địa điểm đó. Nói cách khác, khả năng và sức đàn hồi của địa điểm cần được xem xét như một yếu tố quan trọng để hài hòa những mong muốn, nhu cầu và mục tiêu của con người” – ông Tùng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Bê tông hóa khu du lịch - Hệ quả của tầm nhìn ngắn hạn

    11:00, 19/12/2020

  • “Bê tông hóa” khu du lịch: Tận phá tự nhiên bởi lòng tham

    14:20, 18/12/2020

  • “Bê tông hóa” khu du lịch: Phải có hướng dẫn chi tiết

    20:48, 17/12/2020

  • Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về bê tông hóa các điểm du lịch

    16:23, 15/12/2020

  • Bê tông hóa khu du lịch (KỲ II): Rất khó để sửa sai

    06:25, 03/12/2020

  • Bê tông hóa khu du lịch Tam Đảo

    05:00, 02/12/2020

  • “Thả cửa” cho trạm bê tông hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?

    04:50, 16/09/2020

DIỆU HOA