Hà Nội: Quá nửa số sàn giao dịch bất động sản hoạt động ngoài luồng
Danh sách các sàn giao dịch bất động sản có thông báo đến Sở Xây dựng Hà Nội tính đến hết tháng 11/2020 chỉ vỏn vẹn 47 sàn, chưa bằng phân nửa số sàn có thông tin trên batdongsan.com.vn.
Cụ thể, trong danh sách các Sàn giao dịch bất động sản có thông báo đến Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố thì trên địa bàn toàn Thành phố chỉ có 47 sàn giao dịch bất động sản “chính danh”, tức có thông báo đến Sở Xây dựng Hà Nội.
Đặc biệt, trong số 47 sàn giao dịch bất động sản trên có đến 10 sàn “có vấn đề” như không có địa chỉ nhận thông báo, chuyển đi nơi khác không thông báo đến Sở Xây dựng Hà Nội…
Như vậy, chỉ còn 37 Sàn là đang hoạt động hợp pháp theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng: Quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
Theo tìm hiểu của PV, con số 37 Sàn chưa bằng 1/3 số Sàn đang có thông tin được công bố trên trang batdongsan.com.vn. Nếu so với thực tế các Sàn nhỏ lẻ kiểu “dã chiến” và “tự phong” mới được lập trong dịp sốt đất nền các tỉnh vừa qua thì có thể còn nhỏ hơn rất nhiều.
Luật hiện hành đã quy định rõ những yêu cầu, quy chế hoạt động của các Sàn giao dịch, tuy nhiên trong thực tế cho thấy hoạt động của các Sàn môi giới BĐS vẫn chưa được quản lý một cách đúng mức và hiệu quả.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia nguyên nhân của tình trạng trên bên cạnh việc chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân lập Sàn và hoạt động trái Luật thì cũng đến từ việc bản thân các cá nhân môi giới BĐS đang thiếu chuyên nghiệp.
Về việc này, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam thì số lượng các nhà môi giới bất động sản hoạt động đúng quy định pháp luật hiện nay rất thấp (khoảng 300.000 môi giới hoạt động, trong đó chỉ khoảng 20% có chứng chỉ hành nghề - PV).
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đính là do các quy định pháp luật đang lỏng lẻo đối với nghề môi giới bất động sản. Nhiều địa phương hiện không mặn mà trong việc tổ chức các cuộc thi sát hạch.
Thực tế cho thấy, số lượng người môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề đã ít, nhưng bản thân số này trong thực tế hoạt động như thế nào, họ làm cho Sàn nào hay hoạt động tự do thì pháp luật chưa kiểm soát được. Chính điều này đã dẫn đến việc nhiều môi giới đưa tin sai sự thật, lừa đảo khách hàng, làm méo mó thị trường.
Bên cạnh đó, việc các Sàn hoạt động theo kiểu “ngoài luồng” tức không thông báo đến Sở Xây dựng cũng dẫn đến tình trạng Sở Xây dựng sẽ không nắm được chính xác tình hình giao dịch BĐS tại địa phương để từ đó đưa ra những chính sách quản lý, định hướng kịp thời.
Trước thực trạng trên, ông Đính cho rằng khi cấp chứng nhận hành nghề cho môi giới bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước nên cấp mã số hành nghề quốc gia cho từng môi giới và cập nhật được họ đang làm cho Sàn nào.
Dữ liệu giao dịch của môi giới bất động sản cũng cần được cập nhật vào hệ thống công nghệ. Một khi chuyên nghiệp hóa được như vậy thị trường sẽ rất minh bạch và phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thành lập Văn phòng đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại Quảng Ninh
15:22, 24/10/2020
Nữ môi giới bất động sản - Để thành công cần nỗ lực gấp đôi
06:30, 20/10/2020
Cần số hóa quản lý môi giới bất động sản
16:24, 27/06/2020
Quản lý môi giới bất động sản
23:28, 19/05/2020
Môi giới bất động sản "chơi dài" sau Tết
06:30, 10/02/2020