Quảng Nam: Dành đất cho tái định cư

TUẤN VỸ 05/03/2021 04:00

Các dự án khi giao cho nhà đầu tư đều cần một quỹ đất dành cho tái định cư, thậm chí có một quỹ đất dự trữ để sau này phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương.

Đó là yêu cầu được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đưa ra tại buổi làm việc với thị xã Điện Bàn mới đây.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định công tác quy hoạch, quản lý tại Điện Bàn vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh công tác quy hoạch, quản lý tại Điện Bàn vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý

Ông Thanh cho biết, thời gian qua Điện Bàn đã có rất nhiều dự án được triển khai. Do Điện Bàn có vị trí tiếp giáp với Đà Nẵng, Hội An nên có rất nhiều cơ hội để phát triển. Chính vì thế các dự án tại Điện Bàn được thực hiện từ rất sớm.

100% dự án đều vướng GPMB

“Tuy nhiên, xét về quản lý nhà nước vẫn chưa đồng bộ, đặc biệt là khu đô thị (KĐT) Điện Nam – Điện Ngọc. Trên địa bàn Điện Bàn nhất là KĐT mới chia quá nhiều dự án, cả trăm dự án nhỏ như vậy dẫn đến quá nhiều nhà đầu tư, sẽ có nhà đầu tư (NĐT) làm trước, NĐT làm sau, NĐT có năng lực, NĐT không đủ năng lực. Do đó có sự chênh nhau, bất cập trong việc triển khai giữa các NĐT với nhau trong vấn đề đầu tư kết nối hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Lê Trí Thanh nói.

“Bên cạnh đó có một số nhà đầu tư huy động vốn xảy ra nhiều vấn đề dẫn đến người dân kéo về UBND tỉnh kêu cứu thường xuyên. Công tác quy hoạch, quản lý tại khu vực này vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý, đã nhiều lần điều chỉnh. Cho nên tháo gỡ GPMB cần làm rõ trong công tác GPMB vướng ở chỗ nào, thuộc trách nhiệm cơ quan nào, cấp nào, sở ngành nào...? Trong đó cái nào đúng quy định của pháp luật, cái nào không đúng quy định của pháp luật? Quan hệ lợi ích giữa các bên nhân dân, nhà đầu tư, chính quyền cũng phải có sự hài hòa”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thêm.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành có thể tháo gỡ được những gì thì sẽ làm, Điện Bàn có thể đề xuất những phương án mới hơn, sáng tạo hơn thì chủ động đề xuất. Nhưng phải làm phương án rõ ràng, đánh giá những tác động ảnh hưởng kéo theo của quá khứ, tương lai, hệ thống pháp luật thế nào thì sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm. Phải đi thực tiễn của một vài địa phương để từ đó làm ra một phương án chung cho cả tỉnh.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn cho biết 100% các dự án trên địa bàn thị xã đều vướng GPMB. Thời gian qua Điện Bàn vẫn vướng thi hành án GPMB, các dự án thi công vẫn đang tạm dừng vì những lý do khách quan. Đồng thời, vẫn còn vướng về hướng dẫn thanh toán, khấu trừ chênh lệch giá đất giữa các dự án đầu tư công và dự án giao cho doanh nghiệp.

“Từ định hướng chung mong muốn tỉnh xem xét, liên quan đến việc dành đất tái định cư (TĐC) cho các dự án, cái này là do lịch sử để lại. Đất để bố trí cho TĐC tại Điện Bàn hiện nay hết sức khó khăn. Do đó cần bố trí lại 10-15% diện tích đất các dự án để Điện Bàn chủ động bố trí TĐC song song với việc thực hiện các dự án. Ngoài ra việc đơn giá bồi thường tại Điện Bàn cũng còn thấp so với giá thị trường nên việc vận động người dân di dời rất khó khăn, nhưng để thay đổi đơn giá rất khó bởi mỗi nơi có một đơn giá khác nhau”, ông Nguyễn Minh Hiếu nói.

Dành đất cho tái định cư

Thông tin thêm, ông Đặng Hữu Lên – Bí thư Thị Ủy Điện Bàn cho rằng các quyết định về việc bố trí TĐC vẫn chưa phù hợp, hiện nay khó khăn nhất đó chính là vận động nhân dân dời đi.

“Việc khống chế đền bù không quá 04 lô TĐC e rằng không phù hợp, khó chấp nhận được, cần điều chỉnh phù hợp với từng diện tích đất bị thu hồi. Cho nên cần xem xét đến việc bố trí TĐC không quá 50% so với diện tích đất bị thu hồi đối với người dân. Đồng thời việc TĐC cho khu vực thờ cúng, tín ngưỡng cũng cần phải xem xét thật kĩ”, ông Đặng Hữu Lên nói.

Bên cạnh đó, ông Lên cũng đề xuất hỗ trợ TĐC đối với các hộ dân sống ven bờ sông không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc không bố trí đất TĐC khiến người dân không biết về đâu, còn nếu bán theo giá đất TĐC thì họ không có tiền để mua, cho nên cần phải xem xét hỗ trợ đến bộ phận này để vừa thực hiện chính sách, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

“Việc xây dựng giá đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn quá thấp, chênh lệch lớn do yếu tố tác động chủ quan chứ không phải do khách quan. Địa phương nào đưa giá đất cao lên vô đến tỉnh cũng bị hạ xuống cho nên khi đơn vị tư vấn xây dựng giá đất tăng 20% đều báo cáo tỉnh. Giá đất thực tế từng địa phương có nơi tăng 200%, 300% cho nên việc xây dựng giá đất cũng cần phải tính toán phù hợp”, Bí thư Thị ủy Điện Bàn nói thêm.

Theo ông Lên, giá vật kiến trúc cũng cần phải tính toán, vật tư, nguyên liệu, phương tiện đặc biệt là nhân công liên tục thay đổi. Trình tự thủ tục cũng cần phải giải quyết sớm, nếu không giải quyết được thì dù có nỗ lực thế nào đi nữa, đối thoại ra sao thì chắc chắn cũng không thực hiện được. Hàng chục dự án không có hiện trạng nhưng đã giao đất từ lâu giờ phải chờ thanh tra thì không biết bao giờ mới xong.

Đối với những khu đô thị của Điện Bàn nằm trong nhóm các dự án UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thanh tra trong công tác GPMB, đất đai để có cơ sở xử lý theo đúng quy định thì địa phương này cần phải thực hiện theo chỉ đạo. Sẽ không thanh tra tất cả các dự án mà cần phải chia ra những nhóm tương đồng, từ đó lựa ra những dự án làm tiêu biểu để thực hiện thanh tra từ đó tổng hợp lại, kiến nghị giải quyết theo quy định.

Một trong những khu đô thị của Điện Bàn nằm trong nhóm các dự án UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thanh tra trong công tác GPMB, đất đai 

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định việc tháo gỡ vướng mắc GPMB không chỉ là về cơ chế chính sách mà còn về kỹ thuật, phương pháp làm. Tất cả các dự án phát triển đô thị đều hướng mắt về khi giao cho chủ đầu tư đều hướng về GPMB, bố trí TĐC. Ông Thanh cũng nhắc đến việc làm cầu qua sông Cổ Cò khi tìm quỹ đất TĐC thì không có.

“Các dự án khi giao cho nhà đầu tư đều cần một quỹ đất dành bố trí TĐC, thậm chí có một quỹ đất dự trữ để sau này phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương. Nếu như giao hết cho nhà đầu tư làm đồng bộ, phân lô bán nền hết đến khi đi tìm quỹ đất TĐC cho các công trình, trục giao thông, công trình công cộng,... lại không có quỹ đất để bố trí, đây là một thiếu sót trong việc lập quy hoạch 1/500 từ địa phương đến thẩm định của Sở Xây dựng”, Ông Lê Trí Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, khi có quá nhiều dự án thì phương án GPMB càng vướng mắc, một phần lớn bắt nguồn do cơ chế chính sách và còn một phần do nhận thức, cách hành động của con người. Đối với vấn đề hoán đổi vị trí đất đầu tư công và đầu tư tư, ông Lê Trí Thanh cho rằng cần phải làm linh hoạt bởi khi ấn định các dự án tái định cư nhưng nhân dân không chịu thì rất khó khăn. Việc hoán đổi cần phải thật linh hoạt trong khi thực hiện dự án, sau khi bố trí hoàn chỉnh hết dự án sẽ thực hiện nguyên một lần chứ không nên hoán đổi từng bộ phận nhỏ.

Đối với vấn đề bồi thường và việc tái định cư cũng cần phải tách riêng biệt với nhau, nhưng chính sách nhân văn của nhà nước có kèm tái định cư theo với bồi thường nên cần phải cân nhắc, minh bạch. Điện Bàn là địa phương có nhiều dự án thì cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc theo các mốc thời gian cố định.

“Còn những khu đô thị của Điện Bàn nằm trong nhóm các dự án UBND tỉnh đã chỉ đạo thanh tra trong công tác GPMB, đất đai để có cơ sở xử lý theo đúng quy định thì địa phương này cần phải thực hiện theo chỉ đạo. Sẽ không thanh tra tất cả các dự án mà cần phải chia ra những nhóm tương đồng, từ đó lựa ra những dự án làm tiêu biểu để thực hiện thanh tra từ đó tổng hợp lại, kiến nghị giải quyết,” ông Lê Trí Thanh kết luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Cầu Cẩm Kim, Quảng Nam “tắc” đến bao giờ?

    Cầu Cẩm Kim, Quảng Nam “tắc” đến bao giờ?

    08:10, 28/02/2021

  • Diện mạo mới cho Đà Nẵng, Quảng Nam

    Diện mạo mới cho Đà Nẵng, Quảng Nam

    15:26, 18/02/2021

  • Khơi thông sông Cổ Cò: Tiềm năng phát triển du lịch, bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

    Khơi thông sông Cổ Cò: Tiềm năng phát triển du lịch, bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

    19:12, 08/01/2021

TUẤN VỸ