Thu hồi đấu giá đất hai bên đường: Chia sẻ lợi ích, làm sao công bằng?
Nhiều người đặt kỳ vọng trong đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" nội dung thu hồi, đấu giá đất hai bên đường TP HCM sẽ tạo nguồn lực hiệu quả cho vốn đầu tư hạ tầng.
Cùng với đó, sẽ xử lý được những nút thắt chỉnh trang, cải thiện diện mạo đô thị những năm gần đây với hiện trạng nhà siêu mỏng, siêu méo… luôn cản trở phát triển và gây mất mỹ quan đô thị.
Trên thực tế, đề án này không hoàn toàn là sáng kiến mới lạ. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã áp dụng phương pháp này và thành công trong xây dựng, cải thiện đô thị. Thế giới làm được, Việt Nam cũng có thể làm được và có thể làm tốt hơn, đó là quan điểm của nhiều chuyên gia. “Dùng mỡ nó rán nó” cũng là cách được nhiều nhà kinh tế ví von để nói về hiệu quả kỳ vọng của giải pháp.
Việc thu hồi, đấu giá đất hai bên đường là giải pháp khả thi, nhưng cách triển khai là câu chuyện cần bàn kỹ.
Vấn đề nằm ở chỗ cách làm. Làm sao để đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi, tránh việc chênh lệch giá đất, đồng thời, sẽ không còn nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi làm đường. Hiện nay, rất nhiều người băn khoăn vấn đề này.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định với báo giới là nội dung cốt lõi của giải pháp thu hồi đất mà Sở đề xuất là dựa trên cơ chế chia sẻ và hài hòa lợi ích từ giá trị tăng thêm của đất đai vùng ven hạ tầng do việc phát triển hạ tầng mang lại. “Chúng tôi đề nghị giá trị tăng thêm này phải được chia sẻ giữa Nhà nước và những người sử dụng đất chịu ảnh hưởng của dự án phát triển hạ tầng”, ông Thắng nói. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra cách làm cụ thể dự kiến sẽ triển khai ra sao. Vì vậy, nhất tiễn tam điêu, Nhà nước có vốn, dân được hưởng lợi hạ tầng khi Nhà nước đầu tư, dân thỏa mãn với đền bù giải tỏa vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Trong khi đó, quá khứ đã chứng minh có những giải pháp hay nhưng cách làm chưa chuẩn, sẽ mang đến nhiều hệ lụy và mất thời gian sửa chữa. Chẳng hạn như câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng đối với các dự đầu tư PPP trước đây, hiện đã dừng các dự án BT triển khai mới theo Luật, là ví dụ.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng giải pháp là đúng, cách làm là sai, đặc biệt nếu vấn đề về trục lợi ích nhóm chưa được quản triệt, sẽ hỏng các giải pháp. “Với trường hợp giải pháp thu hồi đất ven đường để đấu giá, giải định Nhà nước làm đường, sau phần đất mở rộng đường và vỉa hè (phần này người dân phải chấp nhận vì là đất giao thông đã luật định); nhà nước sẽ lấy thêm độ sâu 2 bên đường 100m để làm khu dân cư hiện đại với giá đền bù hiện hữu 20 triệu đồng hoặc 25 triệu đồng/m2; Sau khi hạ tầng xong bán giá tăng từ 2- 4 lần. Khi đó, chỉ có những người bị giải toả trong khoảng 100m là thiệt; còn những người có đất kế tiếp, giá sẽ tăng theo tỷ lệ tương ứng thì…quá ngon; mà số đất này rất lớn...”, ông Hiển nói.
Rõ ràng, ý tưởng tốt, giải pháp khả thi, nhưng cách triển khai là câu chuyện cần bàn. Bàn không phải để lùi, mà để không lặp lại những bất cập của các giải pháp chưa được tính toán kỹ, những cưỡng ép đền bù không thuận lòng dân.
Có thể bạn quan tâm