Gỡ vướng dự án có đất công xen kẹt: "Đũa thần" chưa thể vung
Dù đã có hiệu lực từ ngày 8/2/2021, tuy nhiên đến nay câu trả lời mà doanh nghiệp có dự án ách tắc vì đất công xen kẹt vẫn là "chờ thông tư hướng dẫn".
Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ngày 8/2/2021, nhiều doanh nghiệp đã “vỡ òa” vui sướng khi Nghị định 148/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai có hiệu lực, cho phép được giao, cho thuê những thửa đất xen kẽ trong các dự án thay vì phải đấu giá như trước.
Các doanh nghiệp kỳ vọng Nghị định này sẽ là "phao cứu sinh" về thủ tục cho các dự án có đất công xen cài đã bị ách tắc nhiều năm nay. Theo đó, bà Nga đã bắt đầu liên hệ với các chuyên gia, luật sư tham khảo ý kiến trong các vấn đề chuyên môn nhằm chuẩn bị cho việc xúc tiến những thủ tục cần thiết để hoàn thiện pháp lý, đưa các dự án hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, câu trả lời mà doanh nghiệp này nhận được từ Sở TN&MT TP HCM đó là không phải toàn bộ các dự án đang bị ách tắc vì vướng đất công hiện nay đều đáp ứng được các tiêu chí do Nghị định 148 đề ra để được giao và quan trọng hơn cả, là các sở, ngành cũng đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.
Trong đó, Sở TN&MT TP HCM cho biết, đất công nằm xen cài tại các dự án có thể phân làm 2 loại: Đất có thửa và đất hiện trạng là đường, kênh - rạch (chưa có thửa).
Trường hợp xác định đất do Nhà nước quản lý nên Nhà nước thực hiện dự án, công trình trên đất là đường, kênh - rạch này hoặc chuyển nhượng theo hình thức đấu giá để người nhận chuyển nhượng sử dụng, đầu tư xây dựng sẽ làm cản trở quyền sử dụng đất của các thửa đất liền kề. Điều này không phù hợp với quy định của Luật Dân sự và Luật Đất đai, vì bản chất đường, kênh - rạch là hạ tầng sử dụng chung của các thửa đất liền kề.
Theo đó, chỉ có thể xem xét “đủ điều kiện tách thành dự án độc lập” đối với các thửa đất có điều kiện do Nhà nước quản lý, còn đất là đường, kênh - rạch do Nhà nước quản lý thì không thể bán đấu giá mà thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch.
Trong khi đó, đánh giá về Nghị định 148, GS Đặng Hùng Võ – Nguyễn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc chưa nêu rõ khái niệm đất công nên dẫn tới lúng túng trong việc xử lý. Về nguyên tắc, đất thu hồi của dân rồi cũng sẽ là đất công. Đất xen kẹt cũng là đất công đang sử dụng vào mục đích công ích. Vậy thì hoặc là đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Chính vì luật pháp chưa nêu rõ thế nào là đất công nên dẫn đến lúng túng trong xử lý.
Trên thực tế, năm 2021 được đánh giá và kỳ vọng và khởi sắc cho thị trường bất động sản bởi các chính sách mới được có hiệu lực như: Nghị định 148, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu tư 2020,…
Những quy định pháp luật mới sẽ giúp cán bộ, công chức của các địa phương yên tâm thi hành công vụ, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho rất nhiều dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại đã, đang và sẽ được triển khai.
Song, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ cho biết, dường như đây là tình trạng chung đã diễn ra nhiều năm qua. Khi một chính sách mới được ban hành, doanh nghiệp sẽ phải chờ thêm một khoảng lặng nữa để có thông tư, bởi dù có quy định mới nhưng không phải địa phương nào cũng dám thực thi ngay.
Trong khi đó, lại có thêm cả tình trạng mỗi nơi một cách hiểu, thực thi bất nhất giữa các địa phương và gây lúng túng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án ở nhiều nơi.
Theo ông Toản, cần sớm có các thông các thông tư hướng dẫn Nghị định, Luật mới để gỡ vướng cho doanh nghiệp địa ốc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường bị ảnh hưởng bởi cả chính sách và dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm