Khuyến khích đầu tư đối với các đô thị vừa và nhỏ

LÊ SÁNG 20/03/2021 06:16

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem sa bàn khu công nghiệp Liên Hà Thái - Khu kinh tế Thái Bình _Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem sa bàn khu công nghiệp Liên Hà Thái - Khu kinh tế Thái Bình _Ảnh: TTXVN

Ngày 19/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành văn bản số 344/TTg-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 17/8 liên quan đến việc Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng đề nghị phê duyệt trước đó.

Theo đó, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia và phù hợp với các nội dung định hướng gồm: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án “Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” của Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì phối hợp với các Bộ của Chính phủ thực hiện; các Quy hoạch liên quan thì Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến lưu ý một số nội dung, trong đó khá tập trung vào việc khuyến khích phát triển đô thị vừa và nhỏ để giảm tải cho các đô thị lớn hiện nay.

Nếu các đô thị lớn của Việt Nam không xử lý được tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng sẽ gây những thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội - môi trường (Trong ảnh: Ùn tắc kéo dài tại đường Thanh Xuân - Nguyễn Trãi, Hà Nội) _Ảnh: TTXVN

Ùn tắc giao thông là "đặc sản" của các đô thị lớn của Việt Nam (Ảnh: đường Thanh Xuân - Nguyễn Trãi, Hà Nội)

Về quan điểm và mục tiêu phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh việc chiến lược phát triển đô thị quốc gia phải kế thừa phát huy hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể; khắc phục những tồn tại, hạn chế. Phát triển đô thị cần phân bố hợp lý các vùng miền, khu vực đều có sức hấp dẫn, góp phần làm giảm gia tăng dân số tại các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... và đặc biệt là khuyến khích đầu tư đối với các đô thị vừa và nhỏ.

Theo đó, một trong những lựa chọn đột phá được Thủ tướng lưu ý trong Chiến lược phát triển đô thị quốc gia trên là cần nghiên cứu việc phân bố lại phù hợp hệ thống đô thị. Một trong những giải pháp được lưu ý để thực hiện được yêu cầu trên là cần có giải pháp hấp dẫn để giãn người dân ra các đô thị xung quanh các đô thị lớn, ưu tiên phát triển các đô thị vệ tinh và các đô thị khác, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ,…

Như vậy, có thể thấy một trong những nội dung định hướng hoàn thiện Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng lưu ý nhất là việc phát triển khuyến khích đầu tư đối với các đô thị vừa và nhỏ, nhất là việc phát triển các đô thị vệ tinh của các đô thị lớn hiện hữu vốn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng trong thời gian qua.

Chẳng hạn như đối với Hà Nội, đến nay sau hơn một thập kỷ hình thành quy hoạch hệ thống 05 đô thị vệ tinh gồm Phú Xuyên, Sóc Sơn, Xuân Mai, Hòa Lạc và Sơn Tây đến nay vẫn chưa thật sự “thành hình” trong khi các yếu tố về hạ tầng nhà ở, giao thông, xã hội,.. tại đô thị lõi của Thủ đô vẫn đang ngày càng quá tải.

Lý giải về sự “chậm tiến” của các đô thị vệ tinh Hà Nội, TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thứ nhất, đây là mô hình mới, để sớm kêu gọi các nhà đầu tư, Hà Nội cần sớm đẩy nhanh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Thứ hai, đô thị chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp song cần đảm bảo an ninh lương thực và hài hòa trong phát triển quỹ đất. Chế độ đền bù đất đai phải đảm bảo, có hướng chuyển dịch cho lao động nông thôn.

Sau hơn một thập kỷ hình thành quy hoạch thì đến nay,

Sau hơn một thập kỷ hình thành quy hoạch thì đến nay, "giấc mơ" đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn còn dang dở.

Trong khi đó, nhận định về sự phát triển của các đô thị tại Việt Nam thời gian qua GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, Nguyên Vụ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội cho rằng nước ta có số lượng đô thị tăng nhanh và phân bố không đồng đều trên cả nước, chất lượng đô thị giữa các địa phương, vùng miền trong từng loại đô thị còn chênh lệch nhau rất lớn.

Mức độ đô thị hóa cũng khác nhau nhiều giữa các vùng; ở vùng Đông Nam Bộ là trên 72%, trong khi ở vùng trung du và miền núi phía Bắc là dưới 22%. Quy mô đất đai của các đô thị cũng rất khác nhau, trong 25 đô thị lớn nhất nước ta, chỉ có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là khác biệt.

Với định hướng tương đối rõ ràng về việc khuyến khích đầu tư đối với các đô thị vừa và nhỏ trong việc xúc tiến hoàn thiện Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 các chuyên gia kỳ vọng sẽ có thể sớm giải quyết được căn cơ bài toán mất cân đối và quá tải ngày càng nặng nề tại các đô thị lớn hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Yếu tố cốt lõi nâng tầm giá trị bất động sản

    Yếu tố cốt lõi nâng tầm giá trị bất động sản

    13:00, 19/03/2021

  • Bộ TN&MT kiểm tra quản lý đất đai tại hàng loạt địa phương

    Bộ TN&MT kiểm tra quản lý đất đai tại hàng loạt địa phương

    12:30, 19/03/2021

  • “Lên đời” 5 huyện, chuyên gia lo ngại TP.HCM sốt đất

    “Lên đời” 5 huyện, chuyên gia lo ngại TP.HCM sốt đất

    08:30, 19/03/2021

  • Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ IV): Đừng để sửa sai

    Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ IV): Đừng để sửa sai

    14:00, 18/03/2021

LÊ SÁNG