Rút ngắn khâu giải phóng mặt bằng: Cơ chế đặc thù nhưng kết quả chưa đặc biệt
Nhiều địa phương đồng loạt xin áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có thực hiện được hay không là một điều khác.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính để tiếp tục làm rõ sự cần thiết, cơ sở kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội.
“Phổ cập” cơ chế đặc thù
Trước Hà Nội, TP.HCM đã được cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020.
Tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI cũng thông qua Nghị quyết về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 08/3/2021.
Trước việc địa phương nào khi có vướng mắc cũng đề xuất cơ chế đặc thù và bản thân trong từng địa phương cũng thường xuyên phải dùng đến cơ chế đặc thù như một giải pháp cuối cùng đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề phải chăng chúng ta đang dần tiến tới việc “phổ cập” cơ chế đặc thù.
Có thể dẫn ra một số cơ chế đặc thù đã được đề xuất và áp dụng như tại Hà Nội, Dự án Khu CNC Hòa Lạc, từ năm 2014 đã được cho phép thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đồng ý cho UBND quận Tây Hồ áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù trong việc giải quyết vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư tại Dự án xây dựng Đường vành đai 2 và Dự án xây dựng cầu Nhật Tân, cùng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ.
Ngoài ra, có thể dẫn ra nhiều đề xuất cơ chế đặc thù khác như tại Đà Nẵng, mới đây cũng có ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần cơ chế đặc thù để trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực. Đối với TP. Thủ Đức cũng có ý kiến cho rằng cần có cơ chế đặc thù để phù hợp với mô hình mới thành phố trong thành phố.
TP. Cần Thơ, mới đây vào tháng 3/2021, một số đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị trung ương xây dựng cơ chế đặc thù có tính vượt trội cho Thành phố.
Cơ chế đặc thù nhưng kết quả chưa đặc biệt
Theo nhận định của các chuyên gia việc nghiên cứu, đề xuất và áp dụng cơ chế đặc thù cho một vùng, địa phương là cần thiết trong bối cảnh nước ta đang trong giai đoạn phát triển, thực tế liên tục đặt ra nhiều vấn đề mà hệ thống cơ chế chính sách chung chưa phù hợp hoàn toàn.
Tuy nhiên trong thực tế cho thấy hiệu quả của các chính sách đặc thù không phải chỉ đến từ bản thân cơ chế, chính sách mà còn phải là sự tổng hợp của các yếu tố từ con người đến các nguồn lực để thực hiện.
Như đối với TP.HCM, được áp dụng cơ chế đền bù GPMB theo Nghị quyết số 27/NQ-CP từ 9/3/2020 nhưng mới đây, vào tháng 3/2021 Sở GTVT lại tiếp tục đề xuất UBND TP giao vốn để Sở thực hiện công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án trong năm 2021 (15 dự án trọng điểm, cấp bách) và 6 chương trình đầu tư công theo đề xuất của Sở trước đó. Theo đại diện Sở GTVT thì các dự án trọng điểm, cấp bách đang gặp những khó khăn, vướng mắc là công tác bồi thường GPMB, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Tại Khu CNC Láng Hòa Lạc (Hà Nội) trong thời gian 5 năm (2015-2020) dù đã có cơ chế đặc thù nhưng cũng chỉ GPMB thêm được khoảng 44 ha (năm 2015 có khoảng 300ha chưa GPMB, đến năm 2020 theo báo cáo là 256ha), nguyên nhân được lý giải là do thiếu vốn.
Như vậy, thực tế đang đặt ra vấn đề không phải cứ có cơ chế đặc thù thì sẽ đồng nghĩa với việc sẽ có kết quả đặc biệt. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ rõ: "Ngay cả khi có cơ chế đặc thù, có thực hiện được hay không là một điều khác. Bởi quá trình thu hồi đất, ngoài trình tự thủ tục thời gian còn phụ thuộc vào việc bồi thường thỏa đáng, vấn đề an sinh xã hội (học hành, khám chữa bệnh, công việc) và tái định cư tại chỗ".
Chia sẻ riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp về câu chuyện này một chuyên gia cho rằng việc các địa phương liên tục đề xuất xin cơ chế đặc thù vô hình chung cho thấy các chính sách chung, tổng thể đang chưa có tính bao quát và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cũng theo vị chuyên gia này chính sách đặc thù chỉ nên là giải pháp trước mắt còn về dài hạn giải pháp căn cơ vẫn phải là xây dựng hệ thống chính sách mang tính phổ quát cho toàn bộ nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Làm rõ sự cần thiết thí điểm cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng tại TP. Hà Nội
18:55, 04/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Gỡ vướng giải phóng mặt bằng công trình đường dây 500 kV mạch 3
00:07, 30/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Gỡ vướng giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
18:01, 18/01/2021
Hải Phòng: Hoàn thành xong giải phóng mặt bằng dự án nút giao thông Ngã 5 Kiến An
00:36, 17/12/2020
Nhà ở xã hội “tắc” giải phóng mặt bằng
11:15, 24/09/2020
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Khu CNC Hòa Lạc hơn 200ha "tắc" giải phóng mặt bằng
11:47, 29/08/2020