Mặt bằng bán lẻ trong vòng xoáy giảm giá
Đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19, phân khúc nhà phố cho thuê tiếp tục rơi vào vòng xoáy giảm giá sâu khi cung nhiều cầu ít.
Tuy nhiên, bên cạnh động thái chung, nhiều chủ nhà vẫn khư khư giữ vững giá thuê thậm chí tăng thêm giá dẫn đến tình trạng mất khách.
Hoạt động ổn định hơn 10 năm với hơn 50 nhân sự làm việc, nhưng một phòng khám đa khoa trên đường Thành Thái, quận 10 buộc phải ngưng hoạt động vào tháng 6 vừa qua chỉ vì không thể tiếp tục cáng đáng tiền thuê mặt bằng.
Được biết vào thời điểm năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, chủ doanh nghiệp này từng đề nghị chủ nhà hỗ trợ giá thuê nhưng bị từ chối. Do thấy hoạt động vẫn còn ổn định, chưa đến mức thua lỗ và để duy trì công việc cho gần 50 nhân viên nên phòng khám này vẫn cầm cự hoạt động. Tuy nhiên đến tháng 5 vừa qua, ngay trong cao điểm Covid-19 lần thứ 4, chủ nhà lại bất ngờ đòi tăng giá thuê lên đến 30% khiến doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa phòng khám.
“Nguyên năm 2020 việc kinh doanh đã rất khó khăn nhưng vẫn phải duy trì tiền thuê mặt bằng hơn 170 triệu đồng/tháng. Đến tháng 4 vừa rồi, chủ nhà lại đòi phải tăng giá thuê lên 220 triệu đồng/tháng mới chấp nhận ký tiếp 5 năm. Trong tình hình khó khăn như vậy, việc tăng giá thuê khác gì trực tiếp đuổi khách. Thương lượng không thành nên chúng tôi đành kết thúc hợp đồng và tìm kiếm mặt bằng mới”, quản lý tại phòng khám này cho hay.
Trường hợp của cơ sở kinh doanh trên không phải là ngoại lệ, bên cạnh làn sóng giảm giá thuê, có không ít chủ nhà chiếm giữ các mặt bằng đẹp đang cho những cơ sở kinh doanh lớn chào thuê, không chỉ thiếu động thái hỗ trợ khách mùa dịch mà còn tăng giá thuê khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Anh Đặng Thành Toàn, chủ một cơ sở kinh doanh nội thất trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 cho biết, anh cũng vừa quyết định chấm dứt hợp đồng thuê nhà khi chủ nhà đòi hỏi tăng giá vô lý ngay trong thời điểm khó khăn. Được biết, mặt bằng này anh đã thuê gần 5 năm nay với giá 120 triệu đồng/tháng và kinh doanh ổn định.
Theo điều khoản ký thì đầu năm nay sẽ tái ký lại với giá thuê mới nhưng vì Covid-19 nên anh muốn thương lượng giữ nguyên giá thuê. Tuy nhiên bất chấp anh Toàn đã trình bày khó khăn, chủ nhà vẫn khư khư đòi tăng giá thuê thêm 25% với lý do giá bán và cho thuê nhà phố trong 5 năm qua đã tăng gần 100%. Không đi đến tiếng nói chung, anh Toàn chấp nhận trả mặt bằng.
Được biết mặt bằng thuê của anh đang trong giai đoạn tái thi công sửa chữa lại, đã dựng vách nên trả vào thời điểm này là anh chấp nhận chịu lỗ khá nhiều chi phí. Vậy nhưng anh Toàn cho rằng thà đứt ruột chịu lỗ khoản này, còn nếu chấp nhận giá thuê mới, chi phí tăng cao, kinh doanh cũng khó duy trì lâu dài khi mà tình hình dịch bệnh chưa ai nói trước được.
Theo dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn, từ tháng 4 trở đi, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố tại TP.HCM giảm 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng và kiot cũng giảm khoảng 25% so với tháng 3. Đến tháng 5/2021, nhu cầu tìm thuê các mặt bằng nhà phố tại TP.HCM tiếp tục giảm đến 20% so với tháng 4 trước đó. Trên những tuyến đường có mặt bằng sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (quận 1), tỷ lệ lấp đầy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sự chênh lệch cung - cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của đại dịch khi mà lượng mặt bằng chào thuê liên tục gia tăng trong khi nhu cầu thuê giảm mạnh. Đa số chủ nhà phố, nhất là nhà phố khu vực CBD đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm từ 20-40% cho trong thời gian giãn cách xã hội nhằm giữ được hợp đồng thuê, nhưng cũng không ít trường hợp chủ nhà có mặt bằng cho thuê trên nhiều tuyến đường lớn thuộc các quận ngoài CBD chơi cứng, quyết giữ giá thuê cao, không giảm giá thậm chí còn có động thái tăng vì sợ tài sản mất dần giá trị. Động thái này càng khiến mặt bằng ế ẩm kéo dài hơn. Nhiều mặt bằng đóng cửa cả năm trời chỉ vì chủ nhà cố giữ giá thuê cao mùa dịch hoặc không hỗ trợ giảm giá cho khách thuê.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM cho biết, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt trong khi chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có khách thuê. Việc phải giảm giá thuê là tất yếu nếu muốn giữ chân khách thuê vì hiện nay, tìm kiếm khách thuê mới, chủ nhà cũng phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20-40% giá thuê hiện tại. Ngoài ra các hợp đồng thuê mới luôn yêu cầu phải duy trì thời gian 3-5 năm và không được tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê.
Theo tìm hiểu thực tế của Batdongsan.com.vn, từ đầu tháng 6, giá thuê nhà phố mặt tiền làm mặt bằng kinh doanh tại quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận giảm giá 20-30% để kích cầu, song vẫn khó tìm được khách thuê giữa mùa dịch. Riêng tại khu trung tâm quận 1, các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Đồng Khởi, bên cạnh nhiều mặt bằng đóng cửa, giảm giá thuê vẫn ế hơn một năm qua, nhiều chủ nhà có động thái trợ giá 30-40% cho khách kể từ tháng 6.
Dự báo cuộc khủng hoảng giá thuê mặt bằng kinh doanh có thể kéo dài do diễn biến của đợt dịch mới khó lường hơn trước đây. Đại dịch khiến quy mô thị trường đang bị co cụm lại do cầu ít cung nhiều, mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô nhà phố mặt tiền truyền thống tại các quận nội, ngoại thành Sài Gòn có thể phải đối mặt với kịch bản dư thừa trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Mặt bằng bán lẻ hậu COVID-19: Nhà phố thất thế, trung tâm thương mại lên ngôi
10:07, 18/11/2020
Ngã rẽ cho thị trường mặt bằng bán lẻ
06:00, 12/04/2020
Thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam: Sự cạnh tranh mới bắt đầu
06:30, 24/07/2019
Sức hấp dẫn của MSN và thị trường bán lẻ, nhìn từ các thương vụ M&A
09:48, 07/06/2021
Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Điều hành linh hoạt
11:00, 24/05/2021
Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Cần thêm “bảo hiểm rủi ro”
11:00, 23/05/2021