Khách sạn 5 sao “gồng mình” qua mùa dịch

DIỆU HOA 28/06/2021 04:00

Đợt dịch lần 4 rơi đúng mùa cao điểm du lịch đã “cắt đứt” hy vọng vực lại thị trường khách sạn trong năm 2021.

Hàng loạt khách sạn đóng cửa vì dịch

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,89 triệu lượt khách, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng tháng 5/2021, khách du lịch nội địa ước đón 115.000 lượt khách, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 322 tỷ đồng, giảm 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân chính là việc chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương.

Để duy trì hoạt động nhiều khách sạn 5 sao đã phải “hạ mình” với các phương thức hoạt động chưa từng ghi nhận trong lịch sử để có nguồn vốn duy trì. Trong đó, Sofitel Legend Metropole Hanoi – khách sạn đắt đỏ bậc nhất Hà Thành đã phải liên tục giới thiệu về dịch vụ bán mang đi và giao hàng tận nhà.

Sofitel Legend Metropole Hanoi cũng phải "nhặt tiền lẻ" với đồ ăn mang về

Tương tự, JW Marriott Hanoi cũng ra mắt dịch vụ JW Takeaway, trong khoảng thời gian từ 7 đến 22h30 mỗi ngày, miễn phí giao hàng trong phạm vi 5km. Thực đơn bán mang về và giao tận nhà này vẫn bao gồm nhiều món ăn và thức uống nổi tiếng của JW Marriott, phù hợp để vận chuyển mà không ảnh hưởng đến hương vị.

Tại InterContinental Hanoi Landmark72 không chỉ bán đồ ăn mang về, khách sạn này thậm chí còn linh hoạt cho thuê theo giờ (8 tiếng từ 8h00 sáng đến 8h00 giờ tối) – một hoạt động kinh doanh chưa có tiền lệ đối với các khách sạn 5 sao.

Không nằm ngoài cơn lốc, Lotte Hotel Hanoi cũng đã lên menu đồ ăn mang đi với thực đơn các suất ăn trưa chỉ từ 70.000VNĐ/suất. Hay tại Hotel du Parc Hanoi, các suất cơm bento (cơm hộp theo phong cách Nhật Bản) cũng được cung cấp để khách hàng có thể lựa chọn đặt bữa trưa ở văn phòng hay bữa tối tại nhà của mình.

Trong khi đó, một khách sạn 4 sao trên phố Bảo Khánh lại có một phương thức độc đáo hơn để thích nghi với thời điểm Hà Nội cấm các quán ăn, nhà hàng đó là cung cấp suất ăn trong phòng khách sạn cho khách hàng. Có thể nói, các “ông lớn” trong ngành khách sạn cũng đang phải hạ mình bằng mọi cách để có nguồn thu.

Theo ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam, thị trường khách sạn giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Trong khi đó, theo đại diện Colliers International, kinh tế toàn cầu có thể sẽ cải thiện hơn vào quý 2/2021 và cần đến 3 năm nữa thì ngành du lịch mới có thể hồi phục về mức trước đại dịch. Thời điểm hiện tại, việc thay đổi phương thức kinh doanh là vô cùng cần thiết để tạo ra doanh thu, duy trì hoạt động với các khách sạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Trong tầm ngắm thu hồi, dự án Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng sẽ được hồi sinh

    Trong tầm ngắm thu hồi, dự án Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng sẽ được hồi sinh

    06:00, 10/06/2021

  • Sóng ngầm M&A khách sạn

    Sóng ngầm M&A khách sạn

    05:00, 17/04/2021

  • “Sóng ngầm” M&A khách sạn

    “Sóng ngầm” M&A khách sạn

    16:49, 13/04/2021

  • Vingroup ra mắt bộ giải pháp chuyển đổi số quản lý khách sạn toàn diện CiHMS

    Vingroup ra mắt bộ giải pháp chuyển đổi số quản lý khách sạn toàn diện CiHMS

    11:00, 12/04/2021

  • Furama Resort Đà Nẵng đào tạo nhân lực ngành du lịch – khách sạn

    Furama Resort Đà Nẵng đào tạo nhân lực ngành du lịch – khách sạn

    14:14, 02/03/2021

DIỆU HOA