Hoang hoá quỹ đất vàng Khu kinh tế Dung Quất
Có tổng diện tích lên tới 45.000 ha, tuy nhiên đến nay quỹ đất của Khu kinh tế Dung Quất đang rơi vào cảnh “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”.
Là khu kinh tế hàng đầu cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu lớn, Khu kinh tế Dung Quất luôn là một trong những điểm hút mạnh vốn đầu tư bất động sản công nghiệp, song quỹ đất nơi đây chưa được sử dụng hiệu quả.
Nói rõ hơn, quỹ đất tại Khu kinh tế Dung Quất bỏ hoang thì nhiều, trong khi đó không ít doanh nghiệp muốn thành lập khu công nghiệp tại đây lại "không có đất".
Cụ thể, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải từ chối Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), khi nhà đầu tư này xin đầu tư dự án hạ tầng KCN có diện tích lớn.
Ông Ngô Văn Trọng - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN cho biết, nguyên nhân chính của việc từ chối đề xuất là Khu kinh tế Dung Quất hết quỹ đất phát triển công nghiệp so với quy hoạch được duyệt.
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, hiện quỹ đất KCN Sài Gòn - Dung Quất ở phía tây do Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) quản lý đã cấp cơ bản hết cho nhà đầu tư.
Đối với khu phía đông đã kín với các dự án như Doosan Vina, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Thép Hòa Phát Dung Quất... Đối với diện tích khoảng 50 - 70ha còn lại là phần dự trữ cho chiến lược phát triển CN lọc hóa dầu trong tương lai.
Riêng khu vực xã Bình Hòa (Bình Sơn) có quy hoạch đất CN rộng khoảng 500ha và một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc xin thực hiện dự án, nhưng do vướng mặt bằng, nên điều chỉnh diện tích xuống còn khoảng 200ha.
Với dự án trên, do nhiều tồn tại nên đến nay dự án vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư.
Đáng chú ý, ngoài IDICO, nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất như Công ty CP Hợp Nghĩa khoảng 900ha, Công ty TNHH VSIP 3.000ha, Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex khoảng 730ha... Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở khâu khảo sát và đề xuất, chứ chưa thể tiến hành các bước tiếp theo vì thiếu quỹ đất phát triển CN.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những dự án có diện tích lớn và nhận ưu đãi hàng đầu tại Khu kinh tế Dung Quất là khu đô thị công nghiệp Dung Quất của Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt lại ì ạch chậm tiến độ.
Được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ ngày 15/8/2016, tháng 8/2016 đơn vị này đã tổ chức động thổ dự án.
Sau khởi công, nhà đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp.
Để hỗ trợ nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ứng ngân sách 100 tỷ đồng cho Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất để GPMB, nhằm tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Sau đó, không những không hoàn thành đúng tiến độ mà chủ đầu tư còn "chây ỳ" hoàn trả tiền ngân sách tỉnh đã ứng để thực hiện công tác GPMB.
Với diện tích lớn cùng với các lợi thế từ cảng nước sâu phục vụ công nghiệp, logistic, song việc sử dụng quỹ đất không hiệu quả đang khiến quỹ đất vàng của Khu kinh tế Dung Quất bị hoang hóa.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất để sớm đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất hoàn thành sau 4 năm nhận Giấy phép đầu tư
14:31, 31/08/2020
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng máy để Bảo dưỡng tổng thể lần 4
15:44, 12/08/2020
BSR phát động thi đua "51 ngày đêm hoàn thành Bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy lọc dầu Dung Quất"
10:46, 11/08/2020
Người lao động Lọc dầu Dung Quất vững tâm trong dịch COVID-19
10:56, 30/07/2020
BSR đã sẵn sàng cho bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất
14:13, 28/07/2020
Lọc dầu Dung Quất kỳ vọng ở nửa cuối năm
14:32, 20/07/2020