Doanh nghiệp môi giới bất động sản “ngấp ngoải” vì dịch
Giãn cách xã hội kéo dài, nhân lực nghỉ việc, khó thu hồi công nợ trong khi áp lực từ chi phí vận hành và thuế khiến 50% sàn môi giới bất động sản phía Nam đối diện nguy cơ ngưng hoạt động.
Theo khảo sát của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... hiện có khoảng 100.000 nhà môi giới bất động sản đang hoạt động. Trong đó, có 3 nhóm môi giới đó là: Các môi giới thuộc công ty chủ đầu tư, môi giới thuộc công ty môi giới bất động sản; và các môi giới hoạt động tự do, không ổn định.
Ngấp ngoải vì dịch
Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, khảo sát tình hình hoạt động môi giới bất động sản trong giai đoạn dịch bệnh, tại TP.HCM và một số các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, 70% các sàn lựa chọn giải pháp điều chỉnh lương, cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động. 30% còn lại hoạt động ổn định với mức biến động nhân sự thấp.
Đáng chú ý, 50% doanh nghiệp có doanh thu chỉ đạt dưới 10% so với hoạt động doanh nghiệp của họ, nhóm doanh nghiệp này có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao.
Cũng theo khảo sát này, có 30% doanh nghiệp có mức doanh thu từ 30 - 50%, 10% doanh nghiệp có mức doanh thu từ 50 - 70% và chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định.
Trong khi đó, chỉ có 10% sàn giao dịch, đa phần thuộc về các doanh nghiệp lớn vẫn “sống khỏe”, trước đại dịch COVID – 19.
Theo ông Phạm Lâm, dịch bệnh kéo dài, cùng với chính sách giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạch mục tiêu của doanh nghiệp môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, hầu như các doanh nghiệp đều bị ngưng hoạt động, việc tổ chức công việc của họ cũng trở nên khó khăn hơn.
Ông Lâm cho biết, hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt nữa là dòng tiền và nhân thực. Dịch bệnh đã khiến doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, tuy nhiên việc thu hồi công nợ từ trước dịch cũng gặp các khó khăn. Trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí vận hành như mặt bằng, lãi vay ngân hàng hay quỹ lương cho cán bộ công nhân viên.
Không những vậy, nguồn nhân lực cũng bị tác động đáng kể khi dịch bệnh kéo dài khiến lượng môi giới chuyển nghề rất lớn chính vì vậy gây nên vấn đề khó khăn về ngắn hạn, không có nguồn lực nhân sự.
Cần “oxy” từ giãn, giảm thuế
Trong khi đó, dưới góc độ đơn vị phát triển dự án, kết hợp cùng với đa dạng quy mô các sàn bất động sản, theo ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group, khó khăn chung của thị trường đã hiện hữu.
Song, trong số đó vẫn có khoảng 20% doanh nghiệp môi giới bất động sản lớn, đã có tích lũy từ trức, đã có kinh nghiệm vượt qua các thời kỳ khủng hoảng, đã có những tích lũy đã xây dựng được hệ thống, đặc biệt là hệ thống nhân sự cũng như hệ thống các phòng ban bộ máy đã hoạt động rất chuyên nghiệp thì lại đang có những sự chuẩn bị rất tốt cho thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển, với số lượng đông đảo hơn, với khoảng 80% các sàn nhỏ và chưa có nhiều tích lũy, khó khăn họ đang phải đối diện không chỉ về chi phí vận hành, thu hồi công nợ, lãi vay mà còn đến từ việc nhân sự rời bỏ công ty.
“Một thời gian khá dài không có doanh thu, nhân sự rất dễ nản lòng, bên cạnh đó, nguồn cung vốn đã hạn hẹp nay lại bị tác động bởi dịch bệnh, những sàn bất động sản nhỏ còn đối diện với cảnh khan hàng bán. Trong khi đó các sàn lớn lại liên tục chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, tổ chức các khóa đào tạo nghề và thu hút một lượng lớn nhân sự từ các sàn nhỏ hơn chuyển về” – ông Tuyển cho biết.
Theo vị đại diện doanh nghiệp, các sàn có quy mô nhỏ và không có tích lũy tài chính thời điểm này dù là việc xây dựng một kế hoạch lâu dài để tồn tại hay tiếp tục tuyển dụng nhân sự để phát triển thì đây là những khó khăn cực kỳ lớn. Sẽ có những sàn phải dừng cuộc chơi và nhường lại sân chơi cho các sàn khác.
Để “cấp cứu” cho doanh nghiệp hoạt động môi giới bất động sản, ông Tuyển cho biết, 3 liều “oxy” hữu hiệu đó là kiến nghị được tiêm Vaccine dịch vụ càng sớm càng tốt để thị trường sớm trở lại bình thường. Các Hiệp hội bất động sản, Hội môi giới cần có quỹ Vaccine cho ngành của mình.
Thứ hai, giãn, giảm thuế TNDN và VAT đến cuối 2022. Chính phủ cũng đã có chủ trương giãn, giảm thuế doanh nghiệp nhưng đối với thuế VAT nếu giãn được về cuối năm mới phải thanh toán một lần thì gánh nặng của các công ty kinh doanh về dịch vụ môi giới bất động sản sẽ được giảm đi rất nhiều.
Và cuối cùng là kiến nghị Chính phủ sớm cấp hộ chiếu Vaccine cho những người tiêm đủ 2 mũi để hoạt động thương mại bất động sản diễn ra bình thường.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng trống chất lượng môi giới bất động sản
05:00, 11/06/2021
Môi giới bất động sản online bứt tốc trong “năm Covid-19 thứ 2”
07:00, 04/03/2021
Môi giới bất động sản "chơi dài" sau Tết
06:30, 10/02/2020
Cần số hóa quản lý môi giới bất động sản
16:24, 27/06/2020
Chuyên nghiệp hóa nghề môi giới bất động sản
14:45, 29/06/2021