Thị trường bất động sản Bắc Trung Bộ ăn theo các "ông lớn"
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 của VARS cho thấy xu hướng đầu tư vùng ven và “đón sóng” đổ bộ của các tập đoàn lớn khiến thị trường địa ốc Bắc Trung Bộ đang ấm lên.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có những thời điểm phải áp dụng chỉ thị 16, giãn cách toàn xã hội. Song, ghi nhận của Hội môi giới bất động sản (VARS) cho thấy, các dự án đất nền, nhà liên kề, nghỉ dưỡng tại thị trường Bắc Trung bộ của các chủ đầu tư uy tín vẫn nhận được sự quan tâm tích cực của người mua, giá biến động tăng khoảng 5% so với quý trước đó.
Ăn theo "ông lớn"
Ông Trần Hữu Giáp - Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Gia Địa, đại diện tổ công tác nghiên cứu thị trường khu vực Bắc Trung Bộ của VARS cho biết, trong ba tháng vừa qua, tại các thị trường Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có 18 được dự án bán ra. Trong đó, gồm 8 dự án mới và 10 dự án cũ, cung cấp khoảng 2.235 sản phẩm với nhiều loại hình nổi bật như là liền kề, nghỉ dưỡng và đất nền công nghiệp.
Trong đó, tại Thanh Hoá, đất của chủ đầu tư bất động sản lớn vẫn tăng từ 10-15%/năm. Với các sản phẩm đất liền kề ở các huyện có giá từ 9-15 triệu đồng/m2, bất động sản nghỉ dưỡng trong khu đô thị của các chủ đầu tư lớn giá dao động từ 50-75 triệu đồng/m2, đất nền ở mức 20-40 triệu đồng/m2; mức tăng khoảng 9-15% so với đầu năm 2021.
Đại diện VARS cũng cho biết, phân khúc đất liền kề đấu giá xung quanh các huyện và khu công nghiệp ở cả ba tỉnh trên vẫn nhận được sự quan tâm tích cực của người mua.
Trong khi đó, ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp tại thị trường Hà Tĩnh cũng cho thấy sự "dậy sóng" tại các phiên đấu giá đất địa phương. Đơn cử như tại xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà), công ty đấu giá hợp danh Trường Thịnh cũng tổ chức đấu giá thành công bằng hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp 8 lô đất tại khu quy hoạch dân cư vùng Le Le, thôn Yên Lạc thu về hơn 18,716 tỷ đồng. Các lô đất này đều đấu vượt trên 54 bước giá, tổng số tiền thu về vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng, mức giá không tưởng với đất nông thôn Hà Tĩnh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thị trường này ấm lên do các tỉnh có diễn biến dịch bệnh không quá phức tạp như tại Hà Nội, TP HCM. Mặt khác, sự đổ bộ của các ông lớn bất động sản cũng kéo theo làn sóng đầu tư đến thị trường vùng ven này.
Tại Hà Tĩnh có thể kể đến như Tập đoàn T&T đầu hơn 3.680 tỷ đồng xây dựng khu đô thị tại phía Nam thành phố và dự án khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ; Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư dự án 1.500 tỷ tại đường Nguyễn Huy Tự; Tập đoàn FLC tìm hiểu đầu tư dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển tại thị trấn Thiên Cầm; TNR Holding với dự án 1.200 tỷ đồng tại Đức Thọ…
Tại Nghệ An, trong vòng 1 năm qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ký biên bản chấp thuận đầu tư cho 11 dự án bất động sản lớn với quy mô hơn 10.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD cho Vingroup, FLC, Tập đoàn T&T, Eurowindow Holding, Tập đoàn Tân Á, TDH Ecoland (thành viên của Tập đoàn Ecopark), Lotte Việt Nam, Central Group Việt Nam. Các dự án chủ yếu là tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng - giải trí tập trung tại TP. Vinh và TX. Cửa Lò…
Tại Thanh Hóa, vẫn tiếp tục là các dự án đến từ các ông lớn như Sungroup, FLC, TNR Holding, Eurowindow Holding…
Cần xác định rõ chiến lược đầu tư
Ông Dominic Vũ – nhà đầu tư kỳ cựu với 16 năm trong nghề bất động sản cho biết, chính sự đổ bộ, săn lùng quỹ đất của các tập đoàn bất động sản đến các địa phương là nguyên nhân kéo giá đất ở vùng ven vẫn ấm lên.
Theo ông Dominic Vũ, xu hướng này thể hiện một niềm tin mãnh liệt về sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới, đồng thời kéo theo những nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp đến các vùng đất này để “đón đầu” cơ hội.
Trong khi đó, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, dòng dịch chuyển này còn đến bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay người dân có thu nhập cao, khi đại dịch xảy ra, dòng vốn không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng nên họ có xu hướng rót tiền vào bất động sản vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong lâu dài.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, quan điểm đầu tư từ xưa đến nay vẫn luôn được áp dụng, đó là chúng ta chỉ nên đầu tư vào khu vực, phân khúc mà mình thực sự hiểu rõ về sản phẩm và chu kỳ phát triển của khu vực đó.
Vị chuyên gia cho biết thêm, dù đầu tư vào phân khúc, thị trường nào, nhà đầu tư cần xác định rõ chiến lược đầu tư của bản thân. "Nếu đầu tư “phòng thủ” cần cân đối dòng tiền. Còn nếu đầu tư theo dạng “tấn công” thì tận dụng thời gian này để tìm sản phẩm giá mềm. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải quản lý được rủi ro dòng tiền đầu tư, kế hoạch tài chính của mình. Với bối cảnh hiện nay, đại dịch có thể tấn công lâu dài nên việc quản lý kế hoạch tài chính phù hợp với mục tiêu của bản thân là cực kỳ quan trọng" - theo ông Kiệt.
Chuyên gia CBRE cũng lưu ý, đối với những nhà đầu tư mới bắt đầu tham gia thị trường bất động sản mà không tỉnh táo rất dễ mua trong cơn sốt đất. Sốt đất ảo rất dễ biến chúng ta bị rơi vào trạng thái nhiễu loạn thông tin, nhà đầu tư phải có sự quan sát kỹ lưỡng, đánh giá bất động sản khu vực đó để mua không bị “hớ” giá.
Có thể bạn quan tâm