Quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030: Ổn định đất trồng lúa, quản chặt đất rừng

NGUYỄN VIỆT 29/10/2021 17:30

Quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa báo cáo trước Quốc hội trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp ngày 29/10

Báo cáo về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quan điểm của Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%

Phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển. Bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng…

Mục tiêu của Quy hoạch là bảo đảm quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%... Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha, giảm 251,22 nghìn ha.

Với đất phi nông nghiệp, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha; đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha…

Ổn định đất trồng lúa, quản chặt đất rừng

Báo cáo thẩm tra Quy hoạch do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân.

Đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt.

Tuy nhiên, Quy hoạch được xây dựng căn cứ vào Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan đến việc sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030; được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và của địa phương.

Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ sở pháp lý, cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Phiên họp chiều 29/10.

Phiên họp chiều 29/10

Để hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, theo dự thảo Quy hoạch, diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn ha nhưng giảm tập trung tại vùng Đồng bằng Sông Hồng (101,8 nghìn ha), vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (88,56 nghìn ha)… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp (trong đó có khu công nghiệp).

Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa (nhất là đất chuyên trồng lúa) tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.

Về đất rừng sản xuất, thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên. Do đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý chặt chẽ đất rừng, nhất là rừng tự nhiên.

Ngoài ra, đề nghị làm rõ hơn lý do quy hoạch diện tích đất rừng sản xuất ở Tây nguyên tăng 217,82 nghìn ha, diện tích đất rừng sản xuất đến năm 2030 tại vùng Đồng bằng Sông Hồng giảm 29,34 nghìn ha so với năm 2020; Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung giảm 175,76 nghìn ha và Vùng Đông Nam bộ giảm 34,84 nghìn ha…

Có thể bạn quan tâm

  • Cần đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm

    14:20, 29/10/2021

  • Bảo hiểm vi mô còn thiếu hành lang pháp lý

    13:25, 29/10/2021

  • Hôm nay, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

    04:29, 29/10/2021

  • Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn trường hợp oan, sai

    18:55, 23/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung

    12:38, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ

    22:20, 21/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"

    15:42, 21/10/2021

NGUYỄN VIỆT