Cân bằng hệ sinh thái khu công nghiệp
Việc xây dựng đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghiệp sẽ giúp các nhà đầu tư và người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài.
Hệ lụy từ sự mất cân bằng
Tính đến cuối tháng 8/2021, Việt Nam có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN). Trong đó 397 KCN đã được thành lập với 291 KCN đi vào hoạt động và 106 KCN đang trong quá trình xây dựng. Các KCN đang tập trung tại Khu vực phía Bắc và Phía Nam tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài).
Riêng Khu vực Phía Nam có lịch sử phát triển sớm từ Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung, Biên Hòa, Nhơn Trạch, Bình Dương và từng bước phát triển hình thành các KCN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Phan Văn Chính, Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, thực tế ở Việt Nam, đa phần các KCN hiện nay đều vận hành theo mô hình truyền thống. Tại các KCN truyền thống này, thông thường chỉ có nhà máy sản xuất thuần túy, nhà ở và các dịch vụ tiện ích khác đi kèm chưa được đầu tư đồng bộ. Việc đầu tư hạ tầng ngoài khu công nghiệp cho người lao động trong thời gian trước đây chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức cả về quy hoạch giao thông, nhà ở cho người lao động, các tiện ích cuộc sống.
Do đó, xung quanh các KCN có nhiều công trình đầu tư tự phát, chật chội, và mang tính đối phó nhu cầu tức thì của người lao động. Và các công trình đầu tư manh mún và chật chội đã không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát dịch khi dịch bệnh xảy ra cũng như không đảm bảo an toàn cho cuộc sống và tính mạng của người dân cũng như người lao động trong thời gian qua.
Chính vì vậy thời gian vừa qua, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này dẫn đến nguy cơ một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nguồn lao động khi triển khai việc khôi phục sản xuất.
Phát triển các tiện ích, hạ tầng xã hội
Có thể nói, sự phát triển KCN đã mang lại cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp làm cơ sở phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội, các cụm dân cư (cả quy hoạch và tự phát) xung quanh các KCN để đáp ưng nhu cầu nhà ở của việc tăng dân số cơ học tại khu vực phía Nam.
Chính vì vậy việc đầu tư các hạ tầng cần có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu nơi ở và sinh hoạt của người lao động với các tiện ích siêu thị, bệnh viện, nhà trẻ, trường học để có thể phục vụ sinh hoạt và nhu cầu an sinh xã hội cho chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, con em người lao động...Việc xây dựng đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghiệp sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài.
Là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực đầu tư, phát triển dự án hạ tầng kỹ thuật KCN tại Việt Nam, IDICO đã đầu tư, quản lý vận hành 10 KCN, quy mô 3.500ha trên cả nước. Các KCN của IDICO đã thu hút được hơn 300 Nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD. Ngoài việc chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, công ty này cũng chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội khu công nghiệp.
Theo ông Phan Văn Chính, IDICO đã thành công với dự án Khu nhà ở cho công nhân KCN Nhơn Trạch có quy mô 20ha. Trong đó giai đoạn 1 đã triển khai 10ha với quy mô 3.520 căn hộ với đầy đủ tiện ích và IDICO triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, quy mô 10ha với 1.790 căn hộ.
Hiện nay, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, IDICO đang triển khai KCN Hựu Thạnh (524ha). Song song với công tác đầu tư dự án KCN, IDICO đã chuẩn bị khu dân cư, đô thị quy mô 47ha liền kề KCN Hựu Thạnh để đáp ứng nhu cầu về Nhà ở và an sinh xã hội đối với cán bộ công nhân làm việc trong KCN.
Chiến lược phát triển của IDICO là phát triển khu công nghiệp gắn liền các khu dân cư đô thị, tiện ích, hạ tầng xã hội xung quanh để tạo nên hệ sinh thái KCN, Đô thị, Nhà ở cho công nhân và nhân dân cùng các công trình thiết yếu trong khu vực dự án. Hệ sinh thái này sẽ đáp ứng đồng bộ nhu cầu việc làm, nhà ở, học tập, vui chơi giải trí cho các chuyên gia, công nhân lao động và con em tại KCN.
"Việc đầu tư đồng bộ này sẽ không chỉ được đáp ứng nhu cầu sản xuất cho Nhà đầu tư mà xa hơn là đáp ứng nhu cầu sống chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ cần thiết và được đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, phát triển thịnh vượng. Đồng thời, mô hình này góp phần khắc phục được tình trạng biến động nguồn lao động trong trường hợp có dịch bệnh, nâng cao khả năng tự chủ nguồn lao động và phòng chống dịch bệnh của địa phương" - ông Chính chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Cấp thiết nhà ở cho công nhân
05:00, 26/10/2021
Đề xuất nhiều chính sách phát triển nhà ở cho công nhân
15:33, 16/10/2021
Bộ Xây dựng chỉ đạo nóng về nhà ở cho công nhân
15:01, 26/09/2021
Cần chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân
15:05, 07/07/2021
Nan giải bài toán nhà ở cho công nhân
07:00, 05/03/2021