HẠ TẦNG XÃ HỘI KHU CÔNG NGHIỆP: Tạo hệ sinh thái phát triển bền vững

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 03/11/2021 14:18

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, hạ tầng xã hội hiện do các khu công nghiệp "may sẵn" do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh hạ tầng xã hội khu công nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

“Tuy vậy, tại Việt Nam, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành của ngày càng nhiều các khu công nghiệp, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động tại đây, hạ tầng xã hội khu công nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.

Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, việc đầu tư hạ tầng xã hội khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ; nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…

“Từ thực tế cho thấy, hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã đặt doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn, đặc biệt là qua đợt bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, khi dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại.

“Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư. Trong khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là một trong những nhân tố quyết định chất lượng của nguồn lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng”, Phó Chủ tịch VCCI thẳng thắn nhận định.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, thực tiễn và lý luận đều chỉ ra rằng, sự quan tâm, bồi dưỡng nhân lực và đời sống tinh thần, phúc lợi, đảm bảo an toàn việc làm bền vững cho người lao động, thì người lao động mới cống hiến bền vững cho doanh nghiệp.

Ngược lại, người lao động phải làm việc với năng suất lao động hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, nghĩa vụ lao động, làm việc với thái độ tích cực thì doanh nghiệp mới góp phần sản xuất kinh doanh có lãi. Từ đó có điều kiện quan tâm tới việc làm và đời sống người lao động. Đây là mối quan hệ có tính gắn bó mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 3/11.

Toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 3/11.

Không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại trong các khu công nghiệp đó chính là sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động, như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân…, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc.

Tọa đàm về “Nguồn nhân lực trong khu công nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 6/7 mới đây, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, sự kiện đã phần nào chỉ ra thực trạng của vấn đề nhà ở cho công nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực trong khu công nghiệp như thế nào.

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. “Tuy nhiên, để chủ đầu tư có động lực xây dựng nhà ở cho công nhân nói riêng và hạ tầng xã hội nói chung rất cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan chức năng”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Và để tiếp nối chuỗi sự kiện “dọn tổ đón đại bàng”, với tọa đàm chuyên đề “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” mà Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, Phó Chủ tịch VCCI đề nghị các đại biểu tham dự thảo luận tìm kiếm những giải pháp nhằm hoàn thiện việc thực hiện chính sách phát triển hệ thống hạ tầng xã hội cho người lao động trong các khu công nghiệp, để các khu công nghiệp thực sự là tổ ấm đón các doanh nghiệp đầu ngành; để người lao động thực sự được an cư, lạc nghiệp tại chính mảnh đất khu công nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp"

    13:25, 03/11/2021

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 03/11: Hạ tầng xã hội Khu công nghiệp

    06:32, 03/11/2021

  • Quyền chủ đầu tư với hạ tầng xã hội dự án

    17:29, 01/04/2021

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN