HẠ TẦNG XÃ HỘI KHU CÔNG NGHIỆP: Đề xuất thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân thuê

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 03/11/2021 14:50

Đề xuất thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phát biểu tại Toạ đàm trực tuyến "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp", TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề hết sức cấp thiết.

TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề hết sức cấp thiết.

TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn

"Đặc biệt qua dịch bệnh covid 19, vấn đề càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hình ảnh đoàn người "di cư" khỏi các trung tâm kinh tế đã cho thấy những vấn đề liên quan nơi ở, chưa thể "an cư lạc nghiệp" nên khi biến cố xảy ra các vấn đề về an sinh, phúc lợi không đảm bảo thì hệ quả là những hình ảnh đau lòng trên", TS. Nhạc Phan Linh chia sẻ.

Trước thực tế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Bộ Xây dựng gần đây cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước đặc biệt là nhà ở công nhân.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2.

Thực tế trên cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng còn nhiều hạn chế, rất khó khăn, phần lớn công nhân, người lao động sống trong các khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng tự phát không đảm bảo môi trường sinh hoạt tối thiểu và sức khỏe cho người lao động khi gặp dịch bệnh covid 19, đây là nguồn lây lan nhanh ra diện rộng, làm cho công tác phòng chống dịch bệnh covid 19 trở nên khó khăn hơn.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất xây dựng.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện cũng đang có đoàn công tác 5 tỉnh phía Nam để làm việc với thường trực tỉnh uỷ các tỉnh đề xuất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Trước đó, Tổng Liên đoàn đã làm việc với 22 địa phương như Tiền Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định, Đồng Nai, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Long An, Bình Dương… để triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020", Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án trên gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021.

Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư

"Trước tình hình trên, ngày 27/10/2021 vừa qua Tổng LĐLĐVN đã có Tờ trình số 46/TTr-TLĐ trình Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất một số giải pháp về nhà ở cho công nhân", ông Nhạc Phan Linh cho biết.

Cụ thể, về nhóm giải pháp lâu dài, thứ nhất, Tổng liên đoàn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở. Trong đó, tách riêng nội dung nhà ở cho người lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp với tư cách là một đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội thành một Chương quy định về nhà ở cho công nhân.

Đối tượng được thuê nhà ở công nhân là công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thuê để bố trí nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp.

Về chủ thể tham gia đầu tư nhà ở công nhân: Tổng Liên đoàn đề xuất được giao là chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tài chính công đoàn (Bổ sung vào khoản 1 Điều 47 Luật nhà ở).

Bổ sung Tổng Liên đoàn là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công nhân đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tài chính công đoàn, theo đó, sửa đổi bổ sung Điều 39 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.

Thứ hai, Tổng Liên đoàn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Cụ thể, bổ sung Tổng Liên đoàn là đối tượng được giao đất xây dựng nhà ở công nhân, theo đó sửa đổi, bổ sung Điều 54, Điều 55 của Luật đất đai 2014.

Thứ ba, Tổng Liên đoàn kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bất động sản. Trong đó, bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng Liên đoàn được giao nhiệm vụ quản lý nhà do Tổng Liên đoàn đầu tư là đối tượng được ký hợp đồng cho thuê nhà ở công nhân, theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 10 Luật kinh doanh bất động sản 2014.

Toạ đàm trực tuyến

Toạ đàm trực tuyến "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Về giải pháp ngắn hạn, đại diện Tổng liên đoàn cho biết, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân thuê tạo ra 500.000m2 ÷1.000.000m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50.000 ÷100.000 công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất, với một số chính sách đặc thù.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn được giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê. Tổng Liên đoàn là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở ở công nhân thuộc sở hữu nhà nước do Tổng Liên đoàn đầu tư xây dựng.

Bố trí vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo phần đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, hạ tầng kỹ thuật, nhà trẻ với số vốn 5.000 tỷ – 10.000 tỷ đồng (mỗi khu có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng); Tổng Liên đoàn sẽ bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa thể thao, thiết chế sinh hoạt cộng đồng, tạo quần thể tiện ích sinh hoạt chung cho các khu nhà ở cho thuê trên.

Đồng thời cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê nhà trong các dự án trên, không hạn chế số lượng để bố trí cho công nhân của mình ở theo danh sách làm việc tại doanh nghiệp được công đoàn cơ sở và Liên đoàn lao động tỉnh xác nhận.

Tổng Liên đoàn được quyền quyết định người thuê nhà ở tại các dự án do Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư đảm bảo cho công nhân, người lao động sớm ổn định chỗ ở, yên tâm làm việc.

Đặc biệt, đánh giá tác động khi thí điểm thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, Tổng liên đoàn cho rằng, công nhân, người lao động có nhà ở và các khu văn hóa thể thao, dịch vụ đảm bảo để ổn định đời sống, gắn bó với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. "Thực tế từ đại dịch Covid-19 cho thấy vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp khi duy trì, khôi phục sản xuất chính là "giữ chân" người lao động", ông Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp có công nhân ổn định lâu dài để sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Sẽ tạo kích cầu và phục hồi kinh tế với các ngành nghề như sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nhà ở, xây dựng cơ bản…Tổ chức Công đoàn sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Từ đó nâng cao được vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, với Bộ Xây dựng, kiến nghị chủ trì nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội đối với các cơ chế chính sách chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã được quy định nhưng cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc Tổng Liên đoàn đầu tư thí điểm một số dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn.

Kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bố trí kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; tổng hợp, báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả triển khai thực hiện hàng năm.

Với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến ranh giới khu đất tạo quỹ đất sạch để xây dựng nhà ở cho công nhân, các tổ chức, doanh nghiệp thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu hụt hạ tầng xã hội "may đo" cho các khu công nghiệp

    14:18, 03/11/2021

  • [TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp"

    13:25, 03/11/2021

  • Sẽ có nhiều cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân

    14:25, 03/11/2021

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN