Nguồn thu từ bất động sản tăng đột biến, nguy cơ "bong bóng"?
Đại biểu Quốc hội đánh giá một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Phát biểu tại phiên thảo luận mới đây, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, thu ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.300 tỷ đồng, trong khi đó tổng thu ngân sách lại tăng trưởng.
Theo bà Thơ, thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Vậy có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp.
Vị đại biểu đặt nghi vấn: “Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”
Trên thực tế, ghi nhận từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản đã liên tục chứng kiến cơn sốt đất cục bộ từ nhiều địa phương từ Bắc vào Nam. Điển hình tại Hà Nội, các vùng ven như Hoài Đức, Hà Đông, Ba Vì, Thạch Thất giá đất tăng từng ngày. Tương tự, Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), La Dương, La Phù (quận Hà Đông),… đất nền đang được đẩy nóng, giá bán thông thường từ 25-50 triệu đồng/m2.
Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và bản thân tỉnh đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là sân bay Long Thành đã bắt đầu đi vào các bước khởi động theo lộ trình, khiến các dự án đất nền tại đây được hưởng lợi kéo theo đó, giá đất cũng tăng trưởng mạnh.
Tại TP HCM, sự kiện thành lập đơn vị hành chính TP Thủ Đức cũng kéo giá nhà đất khu vực này tăng 50 – 70% chỉ trong vòng nửa năm.
Mặc dù các cơn sốt đất đã được kiểm soát từ quý II/2021, song giá nhà đất đã được lập các đỉnh mới. Ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá nhà chung cư vẫn tăng trưởng nhẹ bất chấp dịch bệnh. Trong khi đó giá đất nền, số liệu cập nhật trong quý III từ Bộ Xây dựng cho thấy vẫn ở ngưỡng cao, chưa giảm so với Quý II.
Mặc dòng tiền kinh doanh bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội kéo dài, thế nhưng chỉ hơn một tháng nới lỏng các lệnh giãn cách, giao dịch bất động sản đang rục rịch tăng trở lại. Thông tin từ Tổng cục Thuế mới đây cho thấy số thu phát sinh tháng 10 khoảng 55.100 tỉ đồng (tháng 8 là 54.790 tỉ đồng, tháng 9 là 50.772 tỉ đồng). Trong đó, riêng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỉ đồng (tháng 8 chỉ 640 tỉ đồng, tháng 9 là 685 tỉ đồng).
Tổng cục Thuế cho biết, thu từ lệ phí trước bạ tháng 10 tăng cao, đạt 3.322 tỉ đồng, (tháng 9 là 1.930 tỉ đồng, tháng 8 là 984 tỉ đồng).
Các chuyên gia cũng lo ngại về bong bóng bất động sản với sự phát triển không bền vững. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thẳng thắn chia sẻ, trong cơ cấu nền kinh tế, nếu bất động sản chiếm tỷ trọng quá lớn sẽ tạo ra 1 tầng lớp giàu có nhờ giá đất tăng cao, được thụ hưởng giá trị từ quá trình tăng giá đất, tạo ra các đại gia không thật. Đây là một những người giàu không đúng với quy luật chung.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp cho biết, cái gốc của nền kinh tế vẫn là sản xuất kinh doanh, chứ không phải bất động sản. Dòng tiền đổ vào lĩnh vực này quá lớn sẽ làm giảm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh.
"Dù bất động sản có vai trò nhất định trong nền kinh tế, giúp cho tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng đây không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài. Việc dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản trong bối cảnh kinh tế bị chững lại do dịch bệnh có thể dẫn đến hiện tượng tăng ảo và bong bóng bất động sản" - đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro bong bóng bất động sản
00:28, 09/04/2021
Giá nhà tăng có gây bong bóng bất động sản?
21:20, 14/03/2021
Không xuất hiện bong bóng bất động sản công nghiệp trong năm 2021
07:00, 22/01/2021
Bất động sản trước cơn "bão giá" vật liệu
00:30, 08/11/2021
Gia sản "khủng" của nữ tỉ phú bất động sản giàu nhất hành tinh
02:00, 09/11/2021