3 bước đột phá của ngành xây dựng trong năm 2022
3 bước đột phá sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành các cơ chế chính sách mới, nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng.
>> Bước tiến cải cách thủ tục ngành xây dựng
>> KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần cơ chế riêng cho ngành xây dựng
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành Xây dựng mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu Ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, Bộ sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá.
Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Cụ thể, với các đơn vị có liên quan cần tập trung lập hồ sơ đề xuất xây dựng một số Luật mới như: Luật quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước, Luật quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý không gian ngầm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.
Bộ trường Bộ Xây dựng cho biết, trước mắt sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ngay trong tháng 12 Nghị định sửa các Nghị định trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển của Ngành.
Hai là, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị.
Cụ thể, nâng cao chất lượng công tác lập Quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch. Vụ QHKT phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch cụ thể triển khai nội dung này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, Cục phát triển đô thị phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng các Chương trình, Kế hoạch để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về đô thị.
Có thể bạn quan tâm |
Trong đó nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản pháp luật có liên quan về quản lý phát triển đô thị.
Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. Phối hợp với một số địa phương có điều kiện phù hợp để thí điểm xây dựng một số đô thị thông minh kiểu mẫu, là tiền đề tổng kết, đánh giá và nhân rộng.
Bên cạnh đó, bám sát, kịp thời giải trình ý kiến UBTV Quốc hội và các cơ quan có liên quan về sửa đổi Nghị quyết 1210 của UBTV QH về phân loại đô thị; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc đầu tư, cải thiện các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu ở các đô thị được phân loại và các đô thị có sự sáp nhập các xã, vùng nông thôn vào đô thị để thành lập đơn vị hành chính mới khi thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cục HTKT quan tâm, có giải pháp, xây dựng chính sách phát triển HTKT đô thị, đặc biệt là vấn đề cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải...
Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Theo đó, cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cùng các đơn vị có liên quan sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản.
Xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, vị Bộ trường yêu cầu các đơn vị thường xuyên bám sát diễn biến thị trường bất động sản để có giải pháp kịp thời xử lý các biến động tiêu cực của thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm