Trái chiều lượng khách quốc tế thí điểm hộ chiếu vaccine tại các địa phương
Trái ngược với Nha Trang, Phú Quốc khi lần lượt trở lại cuộc đua đón khách quốc tế, tại Đà Nẵng và Quảng Nam, lượng khách vẫn ít và khá trầm lắng dù đang vào mùa du lịch.
>> Bất động sản du lịch năm 2022: Triển vọng "ánh sáng cuối đường hầm"
>> "Hộ chiếu vaccine” - "đòn bẩy" phục hồi ngành du lịch
Phú Quốc, Nha Trang "bùng nổ" khách quốc tế
Thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, Giám đốc CTCP du lịch Vina Phú Quốc cho biết, sau 1 tháng mở cửa lại du lịch, Phú Quốc đang rất đông khách, những khu resort 5 sao, khách sạn rất đông. Những chuyến bay quốc tế như Thái Lan, Nga, Usabekistan, và Lào... liên tiếp đáp xuống đảo Ngọc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Huy cho biết, Vina Phu Quoc Travel là công ty lữ hành đầu tiên có trụ sở tại Phú Quốc đón khách Hộ chiếu vacxin, giúp du lịch địa phương dần khôi phục du lịch. Ngay 2 ngày cuối cùng của năm 2021, Vina Phú Quốc Travel cũng đã đón khách du lịch từ Lào tới Phú Quốc nhân dịp nghỉ lễ tết dương. Các đoàn khách được đón bằng chuyên cơ riêng, đảm bảo an toàn theo hình thức sử dụng "Hộ chiếu vacxin".
Ông Huy chia sẻ thêm hiện tại Phú Quốc, các quy trình và quy định đón khách, từ các cơ quan nhà nước đã hỗ trợ hết mình về thủ tục hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện, khó khăn lớn nhất đến từ việc tìm kiếm khách hàng.
“Biến chủng mới của COVID - 19 là Omicron đã có phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng. Tuy nhiên, dự đoán muộn nhất qua quý I/2022 khách du lịch đã có thể quay trở lại bình thường” – ông Huy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm |
Trong khi đó, tại Khánh Hòa, thống kê của Sở du lịch Khánh Hòa cũng cho thấy hơn một tháng từ chuyến bay đầu tiên được mở lại đã có 13 chuyến bay chở khách quốc tế từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia với gần 3.000 khách đến Khánh Hòa.
Đặc biệt, ngày 26/12 vừa qua, hơn 300 khách Nga – nguồn khách chủ lực của thị trường này đã quay trở lại Nha Trang sau 2 năm du lịch bị đóng băng vì dịch bệnh.
Có thể nói, mục tiêu 2.000 – 3.000 khách quốc tế trở lại Việt Nam thông qua chương trình hộ chiếu vacxin đặt ra trong 2 tháng đầu tiên đã vượt mong đợi ở 2 thị trường trên.
Tuy nhiên, tại Quảng Nam, Đà Nẵng, 2 địa phương cũng đặt nhiều kỳ vọng về sự bùng nổ lượng khách lại ghi nhận những con số buồn. Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, sau 2 tháng thực hiện thí điểm mở cửa, Đà Nẵng vẫn chưa đón được đoàn khách quốc tế nào.
Trong khi đó tại Quảng Nam, là đơn vị lữ hành tham gia chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam sử dụng "hộ chiếu vaccine", công ty Vietnam TravelMART đã tổ chức đón 2 đoàn khách đầu tiên với hơn 150 người tới Quảng Nam vào ngày 17 và 18/11/2021.
Tuy nhiên từ đó đến nay, công ty này không có thêm đoàn khách nào; dù trước đó đơn vị này dự kiến từ tháng 12 sẽ liên tục đưa khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Mở, mở và mở
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nguyên nhân chính là do dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp và những vướng mắc về các quy định phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, nếu Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Quốc có các khu vực biệt lập để hình thành tổ hợp lưu trú, giải trí riêng biệt cho khách quốc tế theo chương trình trọn gói khép kín thì tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phân bố rộng khắp địa bàn TP. Do đó, công đoạn tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng cần thời gian để đảm bảo yếu tố an toàn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại tình hình dịch bệnh, lượng khách ít, chi phí phát sinh cao nên cũng cân nhắc việc mở cửa hoạt động trở lại trong giai đoạn này. Mặt khác, sự siết chặt về vấn đề xuất nhập cảnh của một số nước nên gây tác động lớn đến ý định đi du lịch nước ngoài của du khách và làm gián đoạn kế hoạch tổ chức các chương trình du lịch theo mô hình thí điểm trọn gói khép kín của các doanh nghiệp lữ hành.
Cũng ghi nhận những khó khăn trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu cũng cho biết, việc mở cửa du lịch đang rất cấp thiết và không có hỗ trợ nào tốt hơn việc mở cửa toàn bộ, từ cửa khẩu đường bộ, đường bay. Ngành Ngoại giao cũng phải vào cuộc để chào đón khách du lịch.
Ông Siêu nhận định, Chính phủ có chương trình phục hồi du lịch nhưng không có gì hỗ trợ tốt hơn là mở cho doanh nghiệp hoạt động thì hàng không phải thường lệ, cửa khẩu phải mở, bộ Ngoại giao vào cuộc để mang thị trường về cho doanh nghiệp, khách đến không còn dùng từ "cách ly".
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng nhận định, không thể để dịch bệnh cản bước chân phục hồi du lịch. Các đối tác quốc tế cho biết Việt Nam tiếp tục đếm số ca F0 thì khách du lịch còn sợ. Do đó, dù đã mở cửa thí điểm đón khách quốc tế, sản phẩm du lịch Việt Nam chưa cạnh tranh được với các quốc gia khác. Ngoài ra chính sách thị thực chưa thuận lợi, chưa trao đổi song phương được với thị trường lớn.
Các chuyên gia cho rằng, để “mở cửa du lịch” đúng nghĩa cần có sự chung tay đồng bộ giữa Nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm du khách. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần vào cuộc để chào đón khách du lịch, quảng bá truyền thông kết nối song phương với các thị trường lớn.
Có thể bạn quan tâm