BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Lạc quan dòng vốn đầu tư
Doanh nghiệp bất động sản cần phục hồi xanh tăng trưởng xanh, chuyển đổi số đón đầu xu hướng mới và thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro là tất yếu.
>>BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Sẽ phát triển mạnh mẽ!
Phát biểu tại Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, cần cơ chế thu hút dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.
Theo đó, ông Lực nhận định, cơ hội năm nay tương đối sáng với ngành bất động sản trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo mức 4,5-5%, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ giá và lãi suất mức tương đối ổn định, lạm phát năm 2022 mức 3,3% đi ngang.
Tại Việt Nam, dự báo tăng trưởng mức 6,5%, lạm phát dự báo 3,4-3,7%. “Trong đánh giá của nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản, giá cổ phiếu bất động sản tăng 2,2% năm qua, nhà đầu tư đánh giá cao sức phục hồi của nền kinh tế nói chung và của ngành bất động sản nói riêng”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kinh tế số cũng được vị chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đánh giá là động lực tốt cho cả nền kinh tế và khu vực bất động sản. Kinh tế Internet được dự báo tăng trưởng mức 29% giai đoạn 2021-2025. Thanh toán không dùng tiền mặt toàn cầu tăng nhanh hơn.
Mặc dù vậy, ông Lực cũng chỉ ra những rủi ro, thách thức với ngành bất động sản. Cụ thể, phương thức phòng chống dịch vẫn còn thiếu nhất quán, Chính phủ và Bộ Y tế đôi khi vẫn phải tuýt còi một số địa phương. Bản thân lĩnh vực bất động sản cũng có phân khúc đi ngang, có phân khúc đi lên,… nhìn chung sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm.
Đặc biệt, đầu tư toàn xã hội 3 năm vừa qua tăng thấp, do đó, đầu tư vài năm tới có bị ảnh hưởng, động lực tăng trưởng yếu đi.
Bên cạnh đó, các vấn đề rủi ro liên quan như lạm phát tăng, rủi ro nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng. Tuy nhiên ông Lực đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát.
Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cơ cấu lại DNNN còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng. Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều thách thức khi còn thiếu khung pháp lý cho những mô hình kinh doanh mới, cùng với đó là vấn đề dữ liệu, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn hạn chế.
>>BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Tăng tốc!
>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”
Về triển vọng ngành năm 2022, ông Cấn Văn Lực đánh giá, giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí giá bất động sản nhà ở còn tăng mức 5-9%, tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm.
Cùng với đó, giá thuê bất động sản KCN tăng từ 3-18%, tùy địa phương. Tác động dịch bệnh ở các phân khúc bất động sản khác nhau như bất động sản KCN, logistics, nhà ở…vẫn khả quan. Bất động sản nghỉ dưỡng, bán lẻ, văn phòng cho thuê còn khó khăn. Tiềm năng phát triển khu công nghiệp cũng là tiềm năng mới nhưng còn tương đối khó khăn do quỹ đất ở một số địa phương đã khan hiếm hơn.
Ông Lực cũng nhận định, giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt bất động sản đã và sẽ được kiểm soát.
Về tài chính, nguồn vốn vào thị trường bất động sản, ông Lực cho biết, năm 2021 nguồn vốn đới với thị trường bất động sản tăng khoảng 9%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ VNĐ, chiếm 19% tổng dự nợ của nền kinh tế. Bên cạnh đó là vốn tư nhân, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 7.650 doanh nghiệp vốn đăng ký 472.000 tỷ. Trong khi đó, vốn FDI tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản là 2,6 tỷ USD. Phát hành trái phiếu toàn ngành bất động sản tích cực, toàn thị trường phát hành 628.000 tỷ VND tăng 36%.
Mặc dù cơ hội và tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng thẳng thắn chỉ ra một số thách thức đối với thị trường bất động sản năm 2022. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản. “Nhưng không thể vì vậy mà “bóp nghẹt” thị trường. Chúng ta vẫn cho phát triển nhưng kiểm soát, minh bạch và lành mạnh hơn”, vị chuyên gia lưu ý.
Từ những thực tế này, TS Cấn Văn Lực đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động….“Doanh nghiệp bất động sản cần phục hồi xanh tăng trưởng xanh, chuyển đổi số đón đầu xu hướng mới và thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro là tất yếu”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Sẽ phát triển mạnh mẽ!
15:49, 12/01/2022
Vụ kit xét nghiệm Việt Á cảnh báo “virus tham nhũng” còn rất nhiều
15:44, 12/01/2022
BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Tăng tốc!
15:36, 12/01/2022