Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội
Bộ trưởng Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ cho biết, năm 2022, Bộ sẽ tập trung cho công tác hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
>>> Mục sở thị khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh
>>> Hà Nội siết quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
- Cụ thể để tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, hướng tới bảm đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp gì thưa ông?
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH (gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân), quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2. Tính riêng năm 2021 hoàn thành đầu tư xây dựng 17 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 1.390.000 m2.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025: Nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng, bao gồm: Nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, hướng tới bảm đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tập trung cho công tác hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn: Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, trong đó, đã kiến nghị sửa đổi chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tháo gỡ các vướng mắc, theo hướng: Điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển NOXH đảm bảo chủ đầu tư Dự án NOXH được hưởng ưu đãi thực chất; Bổ sung quy định về tài chính phát triển nhà ở xã hội theo hướng: quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các vị trí không phù hợp để đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội.
Bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức lựa chọn đơn vị đủ năng lực để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm |
Tách nhóm đối tượng người lao động, công nhân khu công nghiệp để có chính sách riêng và bổ sung các quy định về quỹ đất để phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong việc đầu tư nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp đó thuê. Cải cách, rút gọn thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cũng như trong quy trình mua – bán, xác nhận đối tượng thụ hưởng...
Hai là, chủ động tăng cường kiểm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác áp dụng pháp luật về phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương. Trọng tâm là Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết liệt triển khai gói hỗ trợ tín dụng về nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua.
Bộ Xây dựng và Thanh tra chuyên ngành Xây dựng tại các Sở xây dựng địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trong thời gian tới.
- Năm 2022, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng. Để tiếp tục nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số xếp hạng này, ngành Xây dựng sẽ chú trọng những nội dung gì, thưa Bộ trưởng?
Chỉ số Cấp phép xây dựng là một trong 10 chỉ số được Ngân hàng thế giới dùng để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chỉ số Cấp phép xây dựng tại Việt Nam bao gồm 10 bước thủ tục thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Thế giới không thực hiện việc đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh, trong đó, có chỉ số Cấp phép xây dựng.
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho các Bộ ngành và địa phương: Hiện đã tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; tích hợp, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, thủ tục về môi trường, thẩm định về công nghệ…; giảm đối tượng phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền thẩm định cho địa phương; mở rộng đối tượng miễn giấy phép xây dựng; phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho địa phương; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày… đã tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, giảm chi phícho người dân, doanh nghiệp, cải cách chỉ số Cấp phép XD.
Việc lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng và các thủ tục liên quan đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, không cần nộp hồ sơ ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính khoảng 30%.
Trên cơ sở cách tiếp cận, đánh giá của Ngân hàng Thế giới về thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, Bộ Xây dựng đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp để cải thiện chỉ số này. Trước mắt, Bộ sẽ tập trung xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu về hoạt động xây dựng từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hành lang pháp lý trong triển khai thực hiện trên thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng.
Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên thực tế; tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hiệu quả của việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng nhằm tăng cường sử dụng dịch vụ này trong thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng làm cơ sở cho việc đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật.
-Vâng! Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Có thể bạn quan tâm
3 khâu đột phá của ngành Xây dựng
05:00, 01/02/2022
Cải cách hành chính 2021: Điểm sáng tích cực của ngành xây dựng
04:10, 31/01/2022
Triển vọng ngành xây dựng năm 2022: Lạc quan trong thận trọng
11:20, 26/01/2022
Thời cơ của cách mạng chuyển đổi số ngành xây dựng bất động sản
20:17, 29/12/2021
8 nhiệm vụ trọng tâm ngành xây dựng trong năm 2022
14:00, 18/12/2021