Vòng xoáy địa ốc Miền Trung (KỲ 2): Vén màn kịch tạo sốt đất
Tạo khan hiếm bằng cách bán ra nhỏ giọt; tạo sốt đất ảo bằng cách hùn tiền, bán “đa cấp” giá sau cao hơn giá trước... là những chiêu trò được nhiều chủ đầu tư cùng các sàn giao dịch tận dụng triệt để.
>>> Bát nháo bất động sản tại Bình Phước: Địa phương khẳng định “dự án ma"
Những ngày gần đây trên internet lan truyền một đoạn video về sốt đất tại Bình Phước. Video nói trên dài khoảng 4 phút quay lại sự việc diễn ra tại một mảnh đất trống, bên cạnh con đường có hàng chục chiếc ô tô đang đậu. Một số nhân viên của công ty bất động sản mặc vest cầm cặp da và sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC.
Nhân viên công ty bất động sản liên tục từ khu lều bạt chạy đến chỗ MC nói "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi nhé". Sau đó MC thông báo lại lên loa lô đã chốt cọc trong tiếng nhạc inh ỏi. Chỉ trong 4 phút có hơn 10 lô đất đã được khách đặt cọc.
Video sau khi đăng tải trên mạng khiến nhiều người quan tâm, chia sẻ, bình luận. Điều đáng nói theo lãnh đạo địa phương hiện trên địa bàn không có bất cứ dự án khu dân cư nào được cấp phép. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, đây chỉ là chiêu trò dàn dựng, làm thị trường ảo nhằm đưa thông tin không đúng sự thật về lô đất để thổi giá, tìm khách hàng nhẹ dạ cả tin, hám lời cao.
Có thể bạn quan tâm |
Thật ra, câu chuyện ở Bình Phước là không mới và đã được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất đông sản tại miền Trung “tận dụng”.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản nhớ lại: Từ năm 2014, “màn kịch” này đã được một công ty áp dụng khi tổ chức các sự kiện bán hàng với tiêu chí càng hoảng loạn càng tốt vì khi đó khách hàng sẽ mua theo cảm xúc chứ không phải bằng lý trí.
“Các sàn trước đó ra thông báo ngầm với nhau về việc chuẩn bị dàn quân để tạo cơn sốt, đóng giả làm khách hàng, ký kết hợp đồng giao dịch giả và sau đó là hoạt động sang tay nhau mảnh đất mới mua để hưởng lợi. Chỉ có người mua cuối cùng là “chết””, anh này nói.
Cũng theo doanh nghiệp này, bên cạnh “kịch bản” trên thì những “kịch bản” tạo sốt khác cũng được các chủ đầu tư, sàn giao dịch và nhân viên môi giới áp dụng triệt để. Đó là, thu gom rồi tạo ra cơn sốt giả với hình thức một nhóm khoảng 10 người góp vốn và chủ động bày “cuộc chơi” để dụ khách. Họ mua đất dự án rồi phân nhau đẩy giá theo kiểu người thứ nhất mua 1 đồng, người thứ 2 trong nhóm mua lại với giá 2 đồng đến người thứ 3 đẩy giá lên 4 đồng… và cuộc chơi cứ thế được đẩy lên để tạo cơn sốt nóng trên thị trường.
“Chiêu này xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng vẫn rất hiệu quả, thường xuất hiện tại thị trường Đà Nẵng, có thể thấy qua những đợt sốt cục bộ ở Tây Bắc Đà Nẵng, Hòa Xuân,….”.
Thứ hai là phân phối độc quyền. Theo đó, khi bắt đầu công bố dự án mới, các sàn giao dịch sẽ tổ chức sự kiện, mời hàng trăm khách hàng đến giới thiệu dự án rồi công bố thông tin là mình sẽ phân phối độc quyền dự án này đồng thời tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế, công bố lượng giao dịch thành công lên đến hơn 90% – thậm chí là 100% để tạo sự khan hiếm trên thị trường, kích thích người mua xuống tiền cho những lần bán tiếp theo dù giá lần bán thứ hai bao giờ cũng cao hơn lần 1 do “vị trí đắc địa”, “duy nhất”, “cuối cùng”…
Chiêu này được các doanh nghiệp đang bán các dự án tại phía Nam Quảng Nam áp dụng rất thành công. Thậm chí, năm 2021, nhiều doanh nghiệp còn tranh nhau bằng tất cả các mối quan hệ để được làm F1 cho một dự án đang được được gán cho các mỹ từ như: Trời cho, bệ phóng bứt phá, siêu hiếm,… bởi dự án này đang “hot” nhưng chủ đầu tư rất "kén cá, chọn canh”.
Bàn về câu chuyện sốt ảo, một chuyên gia bất động sản (đề nghị giấu tên) cho biết: Những ai tham gia sớm, rút khỏi thị trường sớm thì thu được nhiều tiền, nhiều gia đình giàu lên rất nhanh còn ai tham gia muộn và chưa kịp rút ra khỏi thị trường thì đổ vỡ, lâm nợ, thậm chí là phá sản.
“Nên mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định, không nên đầu tư theo kiểu phong trào sẽ dễ nhận rủi ro” - chuyên gia này cảnh báo.
Kỳ 3: Khách hàng "dính bẫy"
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản miền Trung bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
05:00, 12/01/2022
Bất động sản miền Trung đón xu hướng đầu tư mới
11:00, 04/01/2022
Ngày 12/01: Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”
13:00, 28/12/2021
Bất động sản miền Trung bước vào chu kỳ tăng trưởng
20:00, 01/10/2021
Bất động sản miền Trung chớp cơ hội vàng
07:00, 26/02/2021