Hà Nội siết chặt điều chỉnh quy hoạch

PHƯƠNG UYÊN 22/03/2022 05:00

Hà Nội vừa yêu cầu hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi.

>>> Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP".

h trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư gây ra nhiều hệ lụy về hạ tầng giao thông

Tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư gây ra nhiều hệ lụy về hạ tầng giao thông (Ảnh: Tuyến đường Lê Văn Lương - Hà Nội)

Siết chặt điều chỉnh quy hoạch 

Chỉ thị nêu rõ cần xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm để có kế hoạch xử lý, khắc phục dứt điểm.

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018), có tới 1.390 điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần, có dự án tới 9 lần.

Tại Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TP HCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm chỉ rõ, Hà Nội đô thị hóa nhanh cũng xảy ra sai phép nhanh, điều chỉnh quy hoạch liên tục để phù hợp. Điều đó cho thấy, quy hoạch chưa đi trước, chưa nhìn xa trông rộng, chưa gắn với kế hoạch thực hiện dài hạn.

Mặt khác, mỗi ngành lại có những dự báo riêng về quy hoạch đất đai, quy hoạch văn hóa, trường học…, do đó quy hoạch đô thị bị phá vỡ, dẫn đến giao thông tắc nghẽn, TP chìm trong cảnh ngập nước, môi trường ô nhiễm, sinh thái bị ảnh hưởng.

Điển hình như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Cho đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng ở đây tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 đến 34 tầng. Các tiện ích chung, khu đất công cộng của cư dân bị thu hẹp dần, dân số cũng tăng lên khiến cơ sở hạ tầng sập sệ.

>>> XEM THÊM: Quy hoạch đô thị "nham nhở" đè nén áp lực giao thông

Các địa bàn có mật độ phát triển nhà ở, khu đô thị dày đặc như tại tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai), khu đô thị Xa La (quận Hà Đông)…, các tuyến đường giao thông xung quanh luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc. 

Những khu vực đô thị phát triển khác như khu đô thị Dương Nội, hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long (huyện Hoài Ðức)… sau những trận mưa lớn, đều rơi vào tình trạng bị cô lập với các tuyến đường xung quanh do nước ngập sâu tại các lối ra, vào. Còn tại khu vực phía Tây Hà Nội có rất nhiều dự án bất động sản với hàng ngàn tỷ đồng đang đắp chiếu…

Cần công khai quy hoạch

Các chuyên gia chỉ rõ, nguyên nhân chính là trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý vào quy hoạch; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.

Cư dân khu Ngoại giao đoàn Hà Nội phản đối chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch.

Cư dân khu Ngoại giao đoàn Hà Nội phản đối chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch

Chia sẻ với DĐDN, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.

Theo ông Tùng, một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động. Hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập. 

Để không còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải tham vấn cộng đồng bài bản. Sau đó, quy hoạch phải được công khai để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi.

Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng thừa nhận, hiện nhiều địa phương đầu tư kinh phí lớn cho công tác quy hoạch xây dựng, song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ quy hoạch được đề ra trước tiên sau đó lại bị điều chỉnh bởi các nhóm lợi ích khác nhau, hậu quả là người dân gánh chịu.

Theo chuyên gia này, chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch địa phương có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể được thông qua, phê duyệt.

"Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học" - ông Quảng cho biết.

Về phía Bộ Xây dựng cho biết sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân có thể tra cứu, nắm bắt được thông tin, đồng thời là công cụ để giám sát việc thực hiện quy hoạch, hạn chế việc trước đây nhiều ý kiến phản ánh lấy quy hoạch đô thị là công cụ để tạo ra những lợi ích nhóm. 

Bên cạnh đó cũng triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp quản lý quy hoạch tốt hơn mà còn là động lực thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

  • Đẩy nhanh điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hà Nội

    Đẩy nhanh điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hà Nội

    16:28, 19/01/2022

  • Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

    Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

    14:12, 03/06/2019

  • "Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu

    14:18, 10/01/2019

PHƯƠNG UYÊN