Quảng Nam đôn đốc tiến độ nạo vét sông Cổ Cò

TUẤN VỸ 08/04/2022 11:34

Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò được xem là động lực phát triển, sẽ kết nối hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, phát triển du lịch đường sông trong tương lai.

>>Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Quang trong việc đôn đốc dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.

Theo kết luận của ông Nguyễn Hồng Quang, đây là dự án quan trọng, được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam rất quan tâm chỉ đạo, cùng thống nhất hợp tác triển khai để tạo động lực phát triển liên vùng, khôi phục lại giá trị của dòng sông trước đây. Dự án sau khi nạo vét khơi thông sẽ kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam tạo động lực phát triển du lịch đường sông.

Trong thời gian tới, ông Quang đề nghị lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban QLDA) và các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan tích cực phối hợp triển khai thực hiện.

Trong đó, cần tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ tập trung, cương quyết, quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.

a

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò được xem là động lực phát triển, sẽ kết nối hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, phát triển du lịch đường sông của 2 địa phương trong tương lai.

“Đối với diện tích đất ảnh hưởng ngoài vệt giải phóng mặt bằng, UBND thị xã Điện Bàn cùng với BQLDA kiểm tra, xem xét để lập phương án bồi thường, thu hồi hết thửa và giao cho UBND các phường quản lý phần ngoài vệt giải phóng mặt bằng để tránh trường hợp các hộ dân tái lấn chiếm phần diện tích đất đã được bồi thường”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao trách nhiệm.

Đối với các hộ dân có diện tích thực tế thu hồi nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức đối thoại với nhân dân để vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường theo diện tích đất thực tế, đảm bảo đúng quy định. Trường hợp chưa xác định được đối tượng sử dụng đất, tranh chấp (05 thửa đất rừng dừa nước), tổ chức họp xét, xác định rõ lại nguồn gốc sử dụng, tính toán để lập phương án bồi thường cho phù hợp với thực tế.

Đối với khu vực giáp dự án Khu tái định cư thôn 1 Điện Dương (76 thửa), UBND thị xã Điện Bàn làm việc với Sở Tài nguyên và Môi Trường, các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra kỹ lại từng trường hợp cụ thể, chứng minh rõ nguồn gốc, xác định lại hồ sơ các cơ quan liên quan trước đây chưa được bồi thường để tổ chức họp dân có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và lực lượng công an lập biên bản để hoàn chỉnh phương án bồi thường, triển khai thực hiện.

“Trong đó, yêu cầu các hộ dân có văn bản cam kết việc chưa được bồi thường từ trước đến nay và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có gian lận”, ông Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh.

Đối với các công trình hạ tầng trên sông Cổ Cò, UBND thị xã Điện Bàn, BQLDA và các Sở, ngành nghiên cứu, rà soát lại kế hoạch sản xuất, diện tích đất nông nghiệp để tính toán phương án tháo dỡ đập ngăn mặn. Riêng các công trình cầu hiện hữu cần tính toán kỹ trước khi tháo dỡ để đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

a

Tỉnh Quảng Nam tập trung giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành mục tiêu khơi thông sông Cổ Cò đưa hoạt động đường thủy đi vào sử dụng.

Còn lại 60 hộ dân thuộc Khối phố Tân Khai, phường Điện Dương, UBND thị xã Điện Bàn rà soát, kiểm tra lại cụ thể về thời gian sử dụng đất của các hộ dân, xem xét các chế độ chính sách áp dụng để giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Đối với dự án Cầu Nghĩa Tự, địa phương khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 09 hộ dân bị ảnh hưởng thi công mố, trụ cầu để bàn giao mặt bằng thi công phần cầu trong tháng 4/2022 theo đúng cam kết.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hồ sơ, thủ tục để đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu dân cư phục vụ tái định cư.

Trong đó lưu ý đến 05 hộ dân còn vướng mắc, chưa giải phóng mặt bằng tại Khu A2, A3 thuộc dự án Khu dân cư Thống Nhất giai đoạn 2. Rà soát quỹ đất, nghiên cứu, đề xuất đầu tư thêm các khu dân cư phục vụ tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng cầu Nghĩa Tự giai đoạn 1, giai đoạn 2 và các dự án đầu tư khác trên địa bàn.

Tại dự án Cầu Thôn 3, cần kiểm tra, xem xét đảm bảo hạn chế thấp nhất đối với lô đất bị ảnh hưởng, xem xét lập phương án bồi thường, hỗ trợ ảnh h ởng (nếu có) cho các nhà dân khi xây dựng hoàn thành công trình. UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với BQLDA, chủ đầu tư các khu dân cư, khu đô thị làm việc với các hộ dân để thông tin về dự án và xử lý những vấn đề phát sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp chặt chẽ với UBND thị xã Điện Bàn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tập trung chỉ đạo triển khai thi công ngay khi có mặt bằng, hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải để kiểm tra các công trình cầu qua sông Cổ Cò để có phương án tháo dỡ, bổ sung gia cố đảm bảo an toàn khi thực hiện việc nạo vét luồng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để xem xét, đánh giá tác động của việc tháo dỡ các đập ngăn mặn trong quá trình nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc, phát sinh theo thẩm quyền, đúng quy định.

Sở Xây dựng tập trung, ưu tiên thẩm định, giải quyết sớm hồ sơ liên quan đến dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Các hồ sơ điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị phục vụ bố trí tái định cư cho dự án cầu Nghĩa Tự.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, cùng với UBND thị xã Điện Bàn, BQLDA kiểm tra, rà soát các công trình cầu trên tuyến sông Cổ Cò, đánh giá lại toàn bộ các công trình cầu, đề xuất các phương án tháo dỡ, gia cố hoặc đầu tư xây dựng mới; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo.

Trung tâm Phát triển hạ tầng (trước đây là Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng) thuộc Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tiếp tục phối hợp cùng địa phương vận động các hộ dân chấp hành và chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân đối với các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt.

Bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn để tiếp tục thực hiện các thửa đất còn lại của hạng mục nạo vét sông Cổ Cò.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Công nghiệp và du lịch phục hồi ấn tượng, GRDP tăng 11,24%

    Quảng Nam: Công nghiệp và du lịch phục hồi ấn tượng, GRDP tăng 11,24%

    14:44, 07/04/2022

  • “Điểm nghẽn” phát triển KCN, CCN tại Quảng Nam

    “Điểm nghẽn” phát triển KCN, CCN tại Quảng Nam

    11:14, 05/04/2022

  • Diện mạo đô thị mới Quảng Nam - Đà Nẵng

    Diện mạo đô thị mới Quảng Nam - Đà Nẵng

    00:30, 04/04/2022

TUẤN VỸ