Khai mở không gian ngầm đô thị

DIỆU HOA 14/04/2022 13:27

Đã đến lúc Hà Nội xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, đồng bộ.

>>Triển vọng đô thị ven sông

Mới đây, TP Hà Nội đã chính thức công khai Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000.

Quy hoạch không gian ngầm

Theo đó, quy hoạch được nghiên cứu thuộc địa giới 20 quận huyện gồm: Khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

Bản vẽ quy hoạch giao thông ngầm đô thị trung tâm TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Các nội dung nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Giao thông ngầm (đường bộ ngầm; đường sắt đô thị ngầm; lối đi bộ ngầm); Bãi đỗ xe công cộng ngầm; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm (theo tuyến - hào KT, tuy-nen KT; công trình đầu mối - xử lý nước thải; trạm biến áp cao thế); Công trình công cộng ngầm.

TP cũng sẽ phân 3 vùng chức năng theo chiều ngang để xây dựng, gồm: Khu vực nội đô có khu vực nội đô lịch sử, từ Vành đai 2 vào trung  tâm sẽ đẩy mạnh phát triển không gian ngầm do cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao. Còn tại khu vực nội đô mở rộng, từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ tăng cường liên kết các không gian ngầm cục bộ tại các công trình đã và đang hình thành, tạo thành hệ thống liên hoàn.

Tại khu vực phát triển mới, từ khu đô thị Đông Vành đai 4 và Khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng sẽ dự phòng quỹ đất cho phát triển đồng bộ giữa không gian ngầm và không gian nổi đồng bộ, hiện đại.

Ở khu vực hành lang hai bên sông Hồng, sông Đuống sẽ hạn chế phát triển không gian ngầm, chỉ phát triển công trình hạ tầng ngầm.

Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch định hướng phát triển không gian công cộng ngầm xung quanh các tuyến đường sắt ngoại ô kết nối với đô thị trung tâm.

Đặc biệt, mạng lưới giao thông ngâm được định hướng là hệ thống các tuyến đường sắt đô thị xây dựng ngầm, gồm 6 tuyến (2, 3, 4, 5, 7, 8) với tổng chiều dài khoảng 86,5km, sâu trung bình khoảng 20m. Dự kiến, có 81 ga ngầm (trong đó 7 ga tuyến  số 2 và số 4 là ga kết hợp).

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104ha, chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ. Về không gian công cộng ngầm, TP xác định 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô (lịch sử và mở rộng) với tổng diện tích khoảng 954ha. Định hướng bố trí các chức năng: Dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, ga ra ngầm gắn kết với các  tuyến đường sắt đô thị, nhà ga  trên tuyến.

Ngoài ra, đề xuất 65 vị trí khuyến khích hình thành không gian ngầm tại các khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng với tổng diện tích khoảng 2.171ha.

Xu hướng tất yếu của đô thị

Kinh nghiệm thế giới, không gian ngầm đô thị là lời giải cho bài toán phát triển trong bối cảnh quỹ đất dần như “manh áo chật”. Không những vậy, các trung tâm văn hóa, thương mại, những đô thị ngầm như một sự kết nối hữu cơ với công trình trên mặt đất.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    Hà Nội chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    15:29, 31/03/2022

  • Chùm đô thị cho Thủ đô

    05:00, 12/03/2022

Tại Nhật Bản, các đường giao thông ngầm lớn hơn trên mặt đất đã được bắt đầu xây dựng từ những năm 1950. Cho đến hiện tại, tàu điện ngầm gần như là phương tiện giao thông chính của đại bộ phận người dân, giúp họ dễ dàng di chuyển mà không mất quá nhiều thời gian. Đồng thời giãn dân về các khu vực ngoại ô, thay vì tập trung ở các nội đô các thành phố.

Hay tại Montreal (bang Quebec - Canada) đã cho ra đời hẳn một thành phố ngầm với 33km đường hầm, kết nối 41 khối nhà trong diện tích 12km2 bao gồm văn phòng, ngân hàng, khách sạn, trường đại học, bảo tàng, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, trung tâm thi đấu thể thao, trung tâm mua sắm… Nơi đây, mỗi ngày đón khoảng nửa triệu khách du lịch.

Theo Giám đốc điều hành Hội Không gian ngầm và Hầm quốc tế Olivier Vion, bất cứ thành phố nào trên thế giới, nếu dân số đạt đến 10 triệu dân thì không thể thiếu các công trình ngầm.

Và Hà Nội cũng đã nhiều lần nhắc đến việc khai thác không gian ngầm đô thị, song chỉ mới dừng lại ở những không gian đơn lẻ (dưới các khối nhà cao tầng của các khu đô thị), hoặc chủ yếu phục vụ nhu cầu giao thông như hầm đường bộ, hầm để xe tại các trung tâm thương mại, nhà cao tầng.

PGS. TS. Lưu Đức Hải, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng, cho biết, một số cuộc hội thảo về quy hoạch không gian ngầm đã được tổ chức trong các năm 2008, 2009 và 2012.

Tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, một số điều khoản đề cập đến không gian ngầm và công trình ngầm đô thị cũng đã được nhắc đến. Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2010 về quản lý không gian ngầm đô thị.

Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn – Bộ Xây dựng đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu hướng dẫn thiết kế quy hoạch không gian ngầm lồng ghép trong đồ án quy hoạch đô thị” (2012).

Khoản 1 điều 10 của Nghị định 39/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đã nêu Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị. Song do tính chất đặc thù của công trình ngầm nên rất cần cần có một hệ thống công cụ pháp lý để hướng dẫn thực hiện quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Giải bài toán pháp lý 

Vị chuyên gia lưu ý, công cụ pháp lý cho công tác quy hoạch không gian ngầm đô thị đã bao quát được các vấn đề về quy hoạch không gian ngầm, nhưng vẫn cần được cụ thế hóa, bổ sung và hoàn thiện.

Tàu điện ngầm tại Nhật Bản

Trong đó, khoảng trống trong công tác quản lý không gian ngầm dẫn đến công tác bồi thường tái định cư cũng như định giá đất để thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vấn đề quyền ưu tiên phát triển cho một số chủng loại công trình ngầm và dành không gian ngầm dự trữ cho nhu cầu tương lai cũng cần được quy định rõ về pháp lý.

Thiếu quy định cụ thể công trình nào được phép xây dựng tầng hầm, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về độ sâu thực hiện. Chưa có định hướng chính sách để xây dựng hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu về công trình ngầm có ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phục vụ cho công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị…

Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng để xây dựng và khai thác không gian ngầm đô thị một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả lâu dài đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống chiến lược riêng cho từng quy hoạch sử dụng đất cho không gian ngầm khác nhau.

Cần xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng công trình ngầm từ trong và ngoài nước thông qua việc quy hoạch các không gian ngầm công cộng kết hợp với các công trình ngầm thương mại, dịch vụ để thúc đẩy thị trường bất động sản gắn với công trình ngầm.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM sẽ có khu đô thị ngầm giữa trung tâm

    TP.HCM sẽ có khu đô thị ngầm giữa trung tâm

    11:00, 23/10/2021

  • Nan đề cho đô thị ngầm TP HCM

    Nan đề cho đô thị ngầm TP HCM

    13:00, 02/09/2021

  • Ven sông Cổ Cò, dự án khu đô thị Yến Hà My được “khai sinh”

    Ven sông Cổ Cò, dự án khu đô thị Yến Hà My được “khai sinh”

    15:49, 08/04/2022

  • Triển vọng đô thị ven sông

    Triển vọng đô thị ven sông

    14:01, 08/04/2022

DIỆU HOA