Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu
Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn điều lệ tiếp tục đặt ra nhiều rủi ro cho các trái chủ, đặc biệt trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục làm nóng các nghị trường.
>>Thanh lọc trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Mới đây, tại báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 Bộ Xây dựng tiết lộ, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu.
Ồ ạt phát hành trái phiếu
Ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp cũng cho thấy trong năm 2021 và đầu năm 2022, dù mang danh nghĩa "bị siết" nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục sôi động với các lô trái phiếu "khủng" và gấp nhiều lần vốn điều lệ của đơn vị phát hành.
Có thể bạn quan tâm |
Trong đó có thể kể đến CTCP Bách Hưng Vương với lô trái phiếu lên tới 2.980 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Song, tại bản công bố thông tin Bách Hưng Vương không nêu cụ thể các thông tin như lãi suất, mục đích huy động, tài sản đảm bảo hay các đơn vị tham gia tư vấn phát hành trái phiếu, cũng như tài sản đảm bảo.
Theo thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bách Hưng Vương chỉ mới được thành lập 3 năm, trụ sở đóng tại Hado Building, số 2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM. Người đại diện pháp luật, đồng thời là Tổng giám đốc là bà Đinh Ngọc Thanh. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 200 tỷ đồng, tức bằng 6,7% giá trị lô trái phiếu được phát hành.
Trong khi đó, một pháp nhân khác cùng thuộc hệ sinh thái với Bách Hưng Vương là CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) cũng nằm trong trường hợp tương tự. Tháng 8/2021, doanh nghiệp này đã phát hành lô trái phiếu lên tới 4.800 tỷ đồng, với mục đích để tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp vào năm 2019. Đáng chú ý, trong năm 2019, doanh nghiệp này đã huy động 7.400 tỷ đồng trái phiếu.
Tương tự, một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Masterise là CTCP Osaka Garden trong năm qua cũng đã phát hành giá trị 6.800 tỷ đồng từ trái phiếu. Hay Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương cùng hệ sinh thái cũng đã phát hành tới 4.670 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ của Osaka là 719 tỷ đồng, và vốn điều lệ của Hoàng Phú Vương là 800 tỷ đồng.
Một trường hợp khác cũng được ghi nhận là CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side cũng đã phát hành tới 3.930 tỷ đồng, mặc dù vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng và tăng lên mức 739,5 tỷ đồng sau khi phát hành trái phiếu thành công.
Theo các chuyên gia, một số doanh nghiệp có năng lực tài chính không tốt; dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi. Dù số lượng doanh nghiệp như thế không nhiều, nhưng có thể khiến thị trường trái phiếu bị vạ lây và ảnh hưởng tới kênh dẫn vốn của nền kinh tế.
Vạ lây cho thị trường
Trong một chia sẻ mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển tiết lộ rằng, qua vụ bắt nhóm doanh nghiệp lộ ra việc 10.000 tỷ đồng trái phiếu xoay vòng vào đất, chứng khoán, và rộng hơn là 700.000 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 2 năm 2020 - 2021, trong đó trên 60% là do ngân hàng mua mới thấy dòng tiền vào đất và chứng khoán có sự xoay vòng, múa may của bộ ba ngân hàng - công ty chứng khoán – công ty bất động sản (và nhóm đầu tư cá voi sát thủ) đã mua - đẩy tạo sóng tăng giá cho đất và chứng khoán lên tầm cao mới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ. Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch.
Hiện tượng các ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân, những người không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn bất bình đẳng thông tin và chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo ông Đính, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.
Trong khi đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, giải pháp đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là các quy định bắt buộc minh bạch thông tin chứ không phải siết lại, đóng cửa theo tư duy “không quản được thì cấm". Khi phát hành là phải minh bạch, công khai để nhà đầu tư tự quyết.
Có thể bạn quan tâm