Doanh nghiệp địa ốc và những lời hứa (KỲ 1): "Mật ngọt" giăng sẵn
Những cam kết lợi nhuận cao đi kèm nhiều ưu đãi khác đang được nhiều doanh nghiệp địa ốc “tung chiêu” để dụ khách.
>>> Năm "trả nợ" trái phiếu địa ốc
Khi công ty chủ quản nhận về một dự án mới, các nhân viên môi giới bất động sản bằng nhiều hình thức khác nhau, liên tục quảng bá thông tin về dự án nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng. “Thường thì mỗi ngày các sale sẽ đăng trung bình 20-30 tin lên các website về bất động sản, trang cá nhân hoặc các hội nhóm mạng xã hội. Thậm chí, có những sale đăng cả trăm tin mỗi ngày”, lãnh đạo một sàn giao dịch cho biết.
Các thông tin thường liên quan đến quy mô dự án, vị trí, tiềm năng, chủ đầu tư… nhưng bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý giữa "một rừng" thông tin về dự án trên mạng, nhiều môi giới bất động sản cũng “mạnh dạn” đưa ra tỷ suất sinh lời của dự án mà công ty mình đang bán. Ví dụ: “Hiện tại V. vừa nhận dự án mới 100%. Suất đầu tư chỉ 1,1 tỷ đồng. Quy mô 32ha. Tỷ suất lợi nhuận ít nhất 30% năm đầu”.
Thật ra, câu chuyện các sàn giao dịch, chủ đầu tư cam kết mua lại sản phẩm của nhà đầu tư, khách hàng với giá cao hơn giá bán hay cam kết tỷ suất sinh lời của sản phẩm không phải là mới và nó đã xuất hiện từ trong Nam ra đến ngoài Bắc vài năm trở lại đây.
Phía Nam, có thể kể đến việc Nam Group cam kết mua lại nhà với lãi suất 12% trong đợt ra mắt phân khu nhà phố thương mại biển The Sound; An Gia cam kết lợi nhuận lên đến 18% tại dự án Westgate (Bình Chánh),…
Tại “khúc ruột” miền Trung, nhà phát triển dự án Kỳ Co Gateway cam kết mua lại sản phẩm sau 12 tháng với giá trị bằng giá gốc trên hợp đồng cùng vơi lợi nhuận cam kết 10% trên số tiền đã thanh toán...
Ngược ra Bắc, có thể kể đến chương trình dự án cam kết mua lại Tiền Hải Center City của công ty bất động sản Duyên Hải (thành viên của Đất Xanh Miền Bắc). Theo đó, sau 12 tháng, Đất Xanh cam kết mua lại với giá 112%, sau 24 tháng, Đất Xanh cam kết mua lại với giá 126%.
“Mức lợi nhuận 10%/năm mà chủ đầu tư dự án mang tới cho khách hàng cao hơn và ổn định hơn lợi nhuận trung bình so với các kênh đầu tư truyền thống như gửi ngân hàng, đầu tư vàng hay chứng khoán”, một doanh nghiệp khẳng định.
Liên hệ với người đăng thông tin về việc mở bán dự án với cam kết tỷ suất lợi nhuận ít nhất 30%/năm đầu như đã nói, PV được cho biết dự án nói trên có tổng cộng 800 lô, cam kết trong 12 tháng sẽ bàn giao mặt bằng và 18 tháng sẽ bàn giao sổ.
“Hiện bên anh đang bán dự án với mức giá khá tốt so với thị trường. Cùng với đó, toàn bộ dự án có 800 lô nhưng giai đoạn đầu tiên bên anh chỉ tung ra khoảng 200-300 lô, tiếp đó là giai đoạn 2 và giai đoạn 3 – mỗi giai đoạn bên anh sẽ tăng giá từ 15-20%. Do đó, trong một năm, chỉ tính riêng việc tăng giá này, bên em đã có lời 30%, đó là chưa kể đến ảnh hưởng của thị trường- thị trường tăng giá thì em sẽ hưởng thêm. Trong khi bên em chỉ đóng 50% giá trị sản phẩm” - người bán hàng cho biết.
“Trong trường hợp thị trường không tăng giá, em bán lại sản phẩm bên anh có mua lại với mức lợi nhuận cam kết không?” , PV hỏi thì sale này cho biết khi mua sản phẩm của công ty, công ty sẽ đảm bảo điều này. “Khi em mua bên anh thì bên anh sẽ đảm bảo mức phí (lợi nhuận - PV) như vậy, nếu em cần giấy tờ đảm bảo thì anh sẽ đề xuất ký giấy tờ cho em được”.
Cũng theo sale này do hiện không có dự án đất nền nào ra thị trường nhưng bên công ty hiện ra giai đoạn đầu tiên nên chắc chắn có lợi nhuận. “Làm dự án ngay từ đầu nên em vào giai đoạn này chắc chắn sẽ có lời, 30% là mức thấp nhất. Đó là chưa kể trong trường hợp bên em cần bán lại, bên anh sẽ hỗ trợ em việc bán lại”.
Bình luận câu chuyện trên, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho hay, hiện nay, trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt nên các doanh nghiệp địa ốc buộc phải xoay qua các kênh khác để tìm kiếm dòng vốn trung và dài hạn. Dòng tiền từ khách hàng, từ nhà đầu tư là một kênh như vậy.
“Việc các doanh nghiệp bất động sản đưa ra các cam kết về mức lợi nhuận hay các chương trình ưu đãi cũng là lẽ thường để tăng sức hút cho dự án của mình nhằm huy động vốn. Tuy nhiên, hình thức cam kết lợi nhuận có thể mang lại rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào - nhất là khi chủ đầu tư dự án bị “trục trặc” mà sự cố đổ vỡ hệ thống Cocobay Đà Nẵng khiến hàng trăm nhà đầu tư khốn đốn là một minh chứng".
"Do đó, để tránh rủi ro, hãy bỏ qua những "mật ngọt" đang giăng khắp nơi trên thị trường bất động sản và nhà đầu tư, khách hàng nên chọn cho mình những chủ đầu tư uy tín, những dự án đầy đủ pháp lý để xuống tiền” - ông Dương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ "nút thắt" pháp lý đưa bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tăng tốc
00:30, 13/07/2022
5 dự báo thị trường bất động sản cuối năm
06:01, 11/07/2022
Diễn biến nào cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm?
01:00, 10/07/2022
Tránh rủi ro khi đầu tư bất động sản quanh Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
17:01, 09/07/2022