Định danh cho bất động sản du lịch
Du lịch được “kích hoạt” trở lại giúp bất động sản nghỉ dưỡng “phá băng” sau thời gian dài, tuy nhiên câu chuyện định danh vẫn là rào cản cho sự phát triển của phân khúc này.
>>Bất động sản nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe lên ngôi
Theo các công bố gần đây, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng chiếm phần trăm khá lớn trong thị trường bất động sản. Mà trong đó có tới 80 – 90% nằm ở khu vực ven biển, hải đảo.
“Mập mờ” định danh
Hiện nay, cả nước có trên 300.000 sản phẩm BĐS du lịch gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… đang được vận hành bởi nhiều chủ đầu tư khác nhau; các DN đang đầu tư số vốn khổng lồ vào thị trường này với khoảng trên 600.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD).
Có thể bạn quan tâm |
Nhiều nghiên cứu đánh giá hiện thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước…
Trong một chia sẻ mới đây, ở cương vị cơ quan quản lý nhà nước, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hiện nay vẫn băn khoăn về pháp lý của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên đó chỉ là thời gian đầu. Đến nay, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đảm bảo cơ bản cho hoạt động của thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính định danh, hành lang pháp lý vẫn tiếp tục là rào cản với phân khúc này. Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nhận định khó khăn pháp lý của phân khúc này khiến cho các nhà đầu tư “chùn tay”.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP HCM cũng cho rằng hiện nay nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đang “không biết gọi sao” – hay nói cách khác là mơ hồ về tính định danh của bất động sản nghỉ dưỡng: “Căn hộ khách sạn” hay “Căn hộ lưu trú” hay “Căn hộ du lịch”; “Căn hộ văn phòng” hay “Văn phòng kết hợp lưu trú” hay “Căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú”?
Vị luật sư cho biết, hiện trong 3 văn bản là 3 cái tên khác nhau khiến khó lòng áp dụng cho các bất động sản nghỉ dưỡng.
Cụ thể, Nghị quyết số 82/2019/QH14 áp dụng “công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú”, QCQG 04:2021/BXD áp dụng “Nhà chung cư hỗn hợp”, Nghị định 02/2022/NĐ-CP áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Hay Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, nêu rõ: “Nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)…”
Song, tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư QCQG 04:2021/BXD thì quy định về “Căn hộ lưu trú” (condotel), “Văn phòng kết hợp lưu trú” (officetel).
Hay tại Nghị định 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản: “Căn hộ du lịch”, “Căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú”.
Hoàn thiện, thống nhất các luật
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho biết, theo các quy định thì tính chính danh của bất động sản du lịch đã được quy định thế nhưng cần phải hoàn thiện.
Chủ tịch HoREA cho rằng, với mục tiêu tạo thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững, Chính phủ đã xây dựng hệ sinh thái bất động sản đồng bộ với các thị trường khác.
Ông Châu cho cho biết, bất động sản du lịch có tiềm năng rất lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản du lịch. Mà trong đó, có 3 luật phải sớm sửa đổi toàn diện gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.
Trong khi đó, theo Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, đoàn Luật sư TP.HCM để có thể kinh doanh được sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, người mua được cấp sổ, bản thân sản phẩm này phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Du lịch.
LS Lê Trung Phát cho rằng muốn phát triển thị trường, thu hút đầu tư, trước tiên cần sớm luật hóa đồng nhất các khái niệm một cách nghiêm túc, chuẩn chỉnh.
Có thể bạn quan tâm