Tìm lại giá trị đô thị biển
Các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế tài chính, ngư nghiệp, cảng biển...
>>Xây dựng Quảng Ninh, Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển
Dù Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với nhiều đô thị lớn nhỏ được hình thành và phát triển tập trung nhưng số lượng còn quá ít, quy mô còn quá nhỏ và chất lượng vẫn còn ở “đẳng cấp” thấp so với thế giới.
Nhiều nút thắt
Phần lớn các đô thị biển tại Việt Nam đều là đô thị cổ và phân bố ở ven biển, thường được phát triển tập trung dọc theo các tuyến đường bộ. Các đô thị biển chủ yếu được hình thành một cách tự phát từ rất lâu dựa trên mối quan hệ giữa cảng- biển- đô thị.
>>Bến Tre: Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế biển
>>Xây dựng đội tàu vận tải biển Quốc gia: Đội tàu biển xứng với tiềm năng kinh tế biển
Các đô thị ven biển vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”, làm mất đi giá trị cốt lõi của đô thị biển. Trong đó, quy hoạch kiến trúc cảnh quan đang thiếu các cơ sở khoa học để xây dựng mô hình và cấu trúc đô thị sinh thái du lịch biển Việt Nam. Đồng thời, vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, sử dụng đất đai, quy hoạch môi trường với quy hoạch đô thị đối với các tuyến đường ven biển nói chung và các đô thị ven biển nói riêng.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế́ tài chính, ngư nghiệp, cảng biển... Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển, nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng.
“Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai. Đặc biệt, việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiế́u thân thiện với tự nhiên và môi trường”, ông Chính nhận định.
Đặc biệt, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng khi mà môi trường tự nhiên ven biển, rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa. Sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng... án ngữ tầm nhìn, đã tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển đô thị biển.
Tìm hướng khai phá
Các chuyên gia cho rằng, các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.
Hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia và phải chiếm vị trí xứng đáng trong Quy hoạch không gian biển quốc gia.
“Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, với biến đổi khí hậu,... Bên cạnh đó, cần tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng,... phục vụ dân cư và khách du lịch. Cùng với đó, ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đố́i với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án”, ông Trần Ngọc Chính đề xuất.
Ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng để phát triển hệ thống đô thị biển Việt Nam đúng tầm, cần một Nghị quyết về phát triển hệ thống đô thị biển và kinh tế đô thị biển ở cấp Bộ Chính trị/TW Đảng hoặc Chính phủ, để tạo cơ chế chính sách đặc thù thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia, và phải chiếm vị trí xứng đáng trong Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Ngoài ra, các đô thị ven biển được hình thành từ trước nên thường có sự pha tạp của đô thị truyền thống có yếu tố biển. Do đó, cần hình thành mới những đô thị theo đúng tính chất đô thị biển.
“Đối với đất quy hoạch chưa phải là đất thương mại dịch vụ, nhưng có ưu thế phát triển đô thị biển, cần đánh giá lại một cách toàn diện, tổng thể, đặt trong chiến lược kinh tế biển. Nếu thấy việc phát triển đô thị biển mang lại lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường lớn hơn, thì cần điều chỉnh quy hoạch, mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuyển hướng sang phát triển đô thị biển”, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm