Xử lý dự án treo
Để xử lý triệt để vấn đề dự án treo, dự án chậm tiến độ, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.
>>> Gắn trách nhiệm địa phương trong xử lý dự án treo
Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều quy định liên quan đến các “dự án treo”, dự án chậm tiến độ còn chưa rõ ràng nên việc triển khai vẫn khá bế tắc.
Có lý, có tình
Về mặt luật pháp dự án chậm là dự án đã hết thời hạn quy định nhưng chưa triển khai đầu tư xong hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình theo bản thiết kế đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Trong bản quy hoạch đó đã xác định rõ đâu là đường, nhà ở, công viên, cây xanh… Nếu sau thời gian quy định mà chủ đầu tư không thực hiện xong các hạng mục trong quy hoạch thì là chậm tiến độ, còn chưa triển khai gì là treo, là bỏ hoang, không thể triển khai.
Tuy nhiên có một điều mà luật pháp hiện chưa quy định rõ là giả sử khi đến hạn, chủ đầu tư mới triển khai 10% thì rõ ràng dự án chậm, nhưng đã triển khai 99% cũng là chậm. Vậy nếu chỉ mới triển khai được 10%, Nhà nước thu hồi lại là đương nhiên, nhưng nếu chủ đầu tư đã triển khai 99% rồi, chỉ còn 1% nữa thì có thu hồi hay không, xử lý như thế nào.
Chiếu theo quy định của pháp luật, nhưng cũng phải tùy vào tính chất, mức độ cụ thể của từng dự án mới có thể đưa ra kết luận. Do vậy cần đa dạng hơn các hình thức xử lý, ví dụ như, chủ đầu tư chậm bao nhiêu thời gian thì phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng, càng chậm nhiều thì càng phải nộp thêm nhiều tiền.
Việc thu hồi dự án chậm tiến độ không dễ. Bởi không có chủ đầu tư nào muốn “buông” dự án dù không triển khai được. Chủ đầu tư khi nhận dự án, dù ít, dù nhiều cũng đã bỏ nhiều chi phí trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án. Nếu thu hồi trên nguyên tắc không bồi thường thì chủ đầu tư sẽ mất không. Việc thu hồi cần cương quyết nhưng cũng phải có giải pháp hợp lý, hợp tình.
Sau khi thu hồi lại quỹ đất, nên trả lại cho người dân sản xuất nếu đó vẫn là cánh đồng bỏ hoang, chưa xây dựng. Còn đối với những dự án đô thị cần thiết phải triển khai trong giai đoạn này thì phải thực hiện đấu thầu để giao cho nhà đầu tư mới.
Tiền thu được từ việc đấu thầu, sau khi trừ vào nghĩa vụ tài chính đất đai với Nhà nước, phần dôi dư còn lại cần tính toán để trả lại (bồi thường) cho chủ đầu tư cũ trong trường hợp họ đã thực hiện đầu tư một phần.
Mặt khác, khi đấu thầu dự án và giao cho chủ đầu tư mới triển khai còn giúp giải quyết được quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp đã góp vốn vào dự án. Nếu tiếp tục để dự án “nằm chờ” thì sẽ có rất nhiều nguồn lực chôn vùi trong đất.
Xóa bỏ tình trạng “ôm đất”
Đối với các dự án mới, để tránh tình trạng “ôm đất” không triển khai, cần phải tiến hành đồng bộ quy hoạch các dự án từ đầu tư công đến đầu tư tư nhân. Nếu như chưa có nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đầu tư công thì chưa vội cấp phép cho những dự án “ăn theo” hạ tầng đó được. Khi đầu tư công và đầu tư tư nhân được tiến hành đồng bộ với nhau thì mới hình thành nên hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh của các dự án kinh doanh thương mại theo quy hoạch.
Từ trước đến nay, việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư khi giao dự án chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Chính vì thế, rất nhiều dự án chủ đầu tư không có năng lực tài chính để triển khai. Theo đó, ít nhất, chủ dự án phải chứng minh được nguồn lực dùng để triển khai dự án là hợp lý và hợp pháp. Chứng minh năng lực tài chính doanh nghiệp nên sử dụng 2 hình thức.
Thứ nhất, là doanh nghiệp phải bỏ tiền vào một tài khoản phong tỏa ở ngân hàng. Số tiền đó tương đương với chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất và làm hạ tầng của dự án. Để khi nhận quyền sử dụng đất là có tiền để triển khai ngay. Nếu không có thì sẽ không giao dự án.
Thứ hai, nếu nhà đầu tư không có sẵn nguồn tiền thì phải chứng minh được khả năng tài chính thông qua tài sản đảm bảo tại ngân hàng. Khi thực hiện được như vậy thì chắc chắn không doanh nghiệp nào dám làm chậm, và cũng không việc gì phải chậm vì đã có nguồn lực thì cứ thế triển khai thôi.
Có thể bạn quan tâm