BẤT ĐỘNG SẢN NAM TRUNG BỘ 2022: Khơi thông dòng vốn vào thị trường bất động sản
Đó là ý kiến được ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn "Bất động sản Nam Trung Bộ 2022: Điểm sáng đầu tư".
>>Quy hoạch tạo động lực cho đô thị thông minh, đô thị biển của Khánh Hòa
Thông tin từ ông Nguyễn Văn Đính tại Diễn đàn "Bất động sản Nam Trung Bộ 2022: Điểm sáng đầu tư" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, kể từ năm 2019 thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu không tốt. Trong khi năm 2018 cả nước có gần 200.00 sản phẩm mới đưa vào thị trường thì năm 2019 chỉ còn 1 nửa.
Trong 2 năm 2020 - 2021 dịch COVID-19 khiến nguồn cung tiếp tục sụt giảm. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ còn có hơn 30.000 sản phẩm mới tung vào thị trường, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Đính, có 2 vấn đề dẫn đến việc giao dịch bị sụt giảm đó là rào cản pháp lý để các dự án BĐS có đủ điều kiện tham gia vào thị trường. Hiện nay, các địa phương vẫn còn rụt rè phê duyệt dự án để đưa vào thị trường.
Thứ 2, ông Đính cho rằng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đến giai đoạn hiện nay nguồn tín dụng vào bất động sản cũng được quản lý chặt hơn, room khắt khe hơn nên dòng tiền chảy vào thị trường rất khan hiếm. Từ đó, các nhà đầu tư, nhà tiêu dùng muốn đầu tư sản phẩm, kinh doanh mà không có tiền thì không thể thực hiện được nên các giao dịch giảm đi.
"Hiện nay đất nền tại một số địa phương có cả Khánh Hòa có giao dịch diễn ra mạnh. Dòng tiền chảy vào thị trường này rất dễ từ nhiều lĩnh vực. Trong những năm Covid-19 mọi hoạt động kinh tế gần như tê liệt nên ngân hàng phải giảm lãi suất từ nhiều chính sách, kích thích sản xuất, nhiều người vay được nên đầu tư vào đất. Theo thống kê ngoài luồng thì số lượng đất nền được mua bán lại nhiều hơn so với mua bán chính thống. Dòng tiền chảy vào đây khá dễ dàng khiến việc đẩy giá dẫn đến nguy cơ bong bóng, khiến ngân hàng ngắt lãi suất, các room siết lại", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá BĐS hiện nay đã tăng rất mạnh trở lại, thời điểm này đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%. Tuy nhiên, thực trạng nói chung số lượng dự án vẫn đang còn hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Từ đó, gây mất cân đối cung cầu khiến giá sản phẩm bán và cho thuê đều tăng. Tỷ lệ hấp thụ giảm, ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực và giá cao. Cùng với đó là các địa phương khó phê duyệt các dự án có đất, kể cả khu công nghiệp, khu kinh tế mặc dù nhu cầu đang rất là cao.
"Chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên lượng cung yếu, thiếu lại còn không cân đối. Những dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu thì không có, nhưng sản phẩm đầu tư, đầu cơ lại nhiều. Ngay cả BĐS nghỉ dưỡng, du lịch cũng rất thiếu, mất cân đối trong thị trường BĐS", ông Đính nói thêm.
Nhận định về thị trường BĐS Khánh Hòa, ông Đính cho rằng qua khảo sát thị trường hiện đang ít hơn 1000 giao dịch/tháng. Ông Đính khẳng định Khánh Hòa là một thị trường cực kỳ tiềm năng, khu vực xuất sắc của quốc tế, vượt qua tầm quốc gia, tuy nhiên thị trường đang chững lại vì chính sách kiểm soát tín dụng và động thái tăng cường kiểm tra, kỷ luật cán bộ sai phạm.
Theo ông, thị trường Khánh Hòa mặc dù hiện tại ít giao dịch do không có nhiều sản phẩm thế nhưng với sự phát triển của Khánh Hòa thì các vùng Bắc Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm,... đều là các khu vực tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt, với lợi thế về BĐS du lịch khi Việt Nam trở thành cường quốc của ngành du lịch thì Nha Trang sẽ là điểm trũng, thủ phủ, là vùng hút có lợi thế mạnh để thu hút du lịch, đưa nhóm khách hạng sang, tiêu tiền nhiều sẽ tập trung tại đây.
"Đó là lợi thế của địa phương, hiện tại giá BĐS du lịch tại Khánh Hòa không hề cao so với các địa phương khác, hiện đang ở ngưỡng dưới trung bình. Thực tế giá BĐS ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nơi. Khánh Hòa là nơi có tiềm năng, sức hút nhưng vẫn chưa được triển khai rõ ràng. Từ giờ đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường sẽ vẫn thiếu nguồn cung, trong đó là các dự án về nhà ở, đất nền", ông Đính nhận định.
Vì vậy, trong quý IV/2022 địa phương cần đảm bảo nguồn cung về đất nền phải đảm bảo pháp lý tiếp tục hút đầu tư. Đến năm 2023, từng bước sẽ tháo gỡ vướng mắc để thị trường dần lấy lại được niềm tin và lực hút đầu tư dần mạnh lên.
Đối với những khó khăn từ thị trường vốn, dòng tiền dễ phục vụ các hoạt động đầu tư thứ cấp và đầu cơ đất nền sẽ là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản. Việc kiểm soát tín dụng dẫn đến nguồn vốn khó khăn sẽ là các nguyên nhân dẫn ảnh hưởng tiêu cực đến nhà phát triển, chủ đầu tư - các nhóm ngành nghề liên quan - khách hàng - ngân hàng - Nhà nước.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị trong thời gian ngắn hạn, các chính sách cần cấp bách phê duyệt dự án cấp thiết cho xã hội, tăng nguồn cung mới, giảm giá nhà ở. Đồng thời, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% cần phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh.
"Ngoài ra, cần khơi thông dòng vốn thúc đẩy dòng vốn tín dụng có kiểm soát vào các dự án bất động sản trọng yếu, phù hợp nhu cầu xã hội, thị trường, người lao động. Đối với lĩnh vực nhà ở xã hội nên được đẩy mạnh tháo gỡ. Đặc biệt, chính quyền địa phương nên quyết liệt hơn công tác phê duyệt dự án", ông Nguyễn Văn Đính đề xuất.
Nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về thị trường bất động sản Nam Trung Bộ nói chung và Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng, cũng như dự báo xu hướng đầu tư trong thời gian tới. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Bất động sản Nam Trung Bộ: Điểm sáng đầu tư”. Chương trình có sự tham gia của: Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà, Câu lạc bộ bất động sản Nha Trang - Khánh Hoà, Cushman & Wakefield Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp bất động sản tại Nam Trung Bộ... Nội dung thảo luận tại diễn đàn gồm: Dự báo biến động thị trường bất động sản dưới tác động từ chính sách: Kiểm soát tín dụng, siết trái phiếu doanh nghiệp…; Diễn biến thị trường 2022 - 2023, triển vọng các phân khúc; Giải pháp khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản; Nhu cầu tìm kiếm bất động sản miền Trung tăng vọt; Sức hút từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng… |
Có thể bạn quan tâm