Doanh nghiệp địa ốc: Có khoản vay lãi suất tăng gần 30%, khó chồng khó

DIỆU HOA 17/02/2023 10:18

Thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, các DN mong muốn được hỗ trợ về cơ chế trong giai đoạn này.

>>Thủ tướng: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes

Đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes cho biết, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…

Ông Phạm Thiếu Hoa cho biết, hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn. "Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn" - ông Phạm Thiếu Hoa bày tỏ lo lắng.

Chủ tịch Vinhomes đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp. "Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển".

>>Bộ Xây dựng tiết lộ nguyên nhân hồ sơ dự án nhà ở ách tắc: Trách nhiệm của địa phương

Cũng phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland

Theo đó, Novaland kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. "Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu" - ông Nhơn nói.

Lãnh đạo Novaland cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp, ông Nhơn cho biết Novaland có tới 25 ngàn tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháo lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.

Mặt khác, lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Ngoài ra, Chủ tịch Novaland cũng kiến nghị đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 65, góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Ông cũng đề xuất các cơ quan truyền thông của Chính phủ có chiến lược hỗ trợ xây dựng lại niềm tin cho thị trường theo xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp" người thật việc thật" đang tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững.

Việc vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ giúp tháo gỡ tận gốc pháp lý cho các dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo thông thoáng môi trường đầu tư thu hút nguồn vốn FDI, giúp phát triển đô thị, tăng nguồn thu ngân sách.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

    Thủ tướng: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

    09:57, 17/02/2023

  • Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội trở lại “đường đua” ngay trong năm 2023

    Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội trở lại “đường đua” ngay trong năm 2023

    16:02, 16/02/2023

  • Mạnh tay “đổi trạng thái” bất động sản

    Mạnh tay “đổi trạng thái” bất động sản

    14:00, 16/02/2023

DIỆU HOA