“Bấp bênh” ngành vật liệu xây dựng (Kỳ I): Doanh nghiệp vẫn trong “cơn bĩ cực”

LÊ CƯỜNG 20/04/2023 07:00

Ngành xây dựng nói chung và thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng “lao đao”, khiến nhiều doanh nghiệp VLXD gặp khó khăn.

Đã từng được ví như một đại công trường xây dựng, nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, thị trường xây dựng Quảng Ninh khá trầm lắng.

 Nhiều doanh nghiệp VLXD khó khăn khi thị trường xây dựng chững lại, giá vật liệu tăng khiến nguồn hàng tồn đọng. Ảnh: Lê Cường

Nhiều doanh nghiệp VLXD khó khăn khi thị trường xây dựng chững lại, giá vật liệu tăng khiến nguồn hàng tồn đọng. Ảnh: Lê Cường

Khủng hoảng thừa

Theo ghi nhận của PV DĐDN tại Quảng Ninh, một số tập đoàn lớn với rất nhiều công trình bỗng ngừng lại. Dự án gần như bỏ đó do thiếu vốn và khách hàng gần như không có. Điều này khiến cho ngành vật liệu xây dựng đã và đang tiếp tục được dự báo còn trong “cơn bĩ cực”.

Bà Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Bê tông Quảng Ninh, cho biết: “Nếu như hơn 1 năm trước, bê tông không kịp đổ vì khối lượng quá lớn để cấp cho các dự án cũng như nhà dân, thì nay xe đổ bê tông của chúng tôi khá “nhàn nhã” vì thị trường xây dựng bỗng chững lại”.

“Một, hai tháng trước tết là cao điểm mùa xây dựng nhưng cũng rất ít công trình được khởi công. Dự báo năm nay chắc cũng không khá hơn năm trước, các doanh nghiệp chỉ xây dựng những công trình nhà ở của người dân, còn công trình thương mại khó khởi công vì tình hình khó khăn, chủ đầu tư thiếu vốn. Chúng tôi “sống” được là nhờ những đối tác lâu năm, chứ phát triển khách hàng mới gần như rất ít”, bà Bích Ngọc chia sẻ.

Ông Phạm Văn Nghị - Tổng Giám đốc Nhà máy cọc bê tông AMACCAO cho biết, thực trạng cung lớn hơn cầu nhiều lần cũng là lý do dẫn đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) gặp khó khăn. Với sản xuất cọc bê tông cũng vậy, do cung lớn hơn cầu nên doanh nghiệp bị khách hàng ép giá, áp điều kiện hợp đồng trả chậm, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ… Để khắc phục vấn đề này, hiện chúng tôi đang mở rộng sang xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và xác định xuất khẩu là trọng tâm trong những năm tiếp theo. Nhờ vậy, doanh nghiệp hiện vẫn đảm bảo việc làm, nhưng về lâu dài cũng không tránh khỏi khó khăn.

“Tôi được biết nhiều nhà máy cọc khác trong nước hiện đang trong tình trạng “chết lâm sàng”, khó khăn chồng chất. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan truyền thông, báo chí nên cảnh báo về tình trạng khủng hoảng thừa này bởi cung cao gấp 2-3 lần cầu trong một ngành là vấn đề rất lớn, đồng thời các cơ quan chức năng định hướng các doanh nghiệp và địa phương cần xem xét thận trọng trước khi phát triển thêm các nhà máy cọc mới”, ông Nghị nhấn mạnh.

“Le lói” tín hiệu tích cực

Theo Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong năm 2023, xây dựng công nghiệp vẫn sẽ là mảng sáng hỗ trợ tăng trưởng toàn ngành, với 66,7% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào một triển vọng sáng sủa hơn. Trong thời gian tới, các nguyên liệu thép/tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí xây dựng công nghiệp đang dần ổn định, biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp lĩnh vực này dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định khó khăn của ngành thép sẽ sớm qua đi, tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nhờ giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hơn nữa, nguồn cung thép của thế giới đã tăng trở lại từ đầu năm cho thấy doanh nghiệp trên thế giới có dự báo nhu cầu tăng cao và tái khởi động các nhà máy. Đặc biệt, lượng hàng tồn kho thép của Việt Nam đã giảm mạnh.

Với triển vọng đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã lên kế hoạch lợi nhuận cho thời gian tới. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát kỳ vọng doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm ngoái và lãi sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng (giảm 5%).

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhận định, năm 2023 dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam chưa lạc quan hơn, nhưng Hòa Phát sẽ luôn thận trọng, tự tin và vững bước tiến lên, phát huy tốt những lợi thế của mình.

Ngoài ra, chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn đang có xu hướng dịch chuyển và trong những năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp đa quốc gia. Do đó, nhu cầu xây dựng nhà xưởng, hạ tầng khu công nghiệp có thể sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo đà cho ngành VLXD phục hồi.

Mặc dù ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi, nhưng nhiều mảng VLXD khác vẫn trong cơn bĩ cực. Do đó, cần giải pháp tích cực hơn từ phía doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Kỳ II: Giải pháp nào gỡ khó cho doanh nghiệp?

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường vật liệu xây dựng xuất hiện làn sóng tăng giá

    Thị trường vật liệu xây dựng xuất hiện làn sóng tăng giá

    11:01, 28/03/2023

  • Thị trường vật liệu xây dựng 2023: Sẽ còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

    Thị trường vật liệu xây dựng 2023: Sẽ còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

    00:06, 25/03/2023

  • Quảng Nam giải bài toán “khát” vật liệu xây dựng thế nào?

    Quảng Nam giải bài toán “khát” vật liệu xây dựng thế nào?

    02:54, 29/11/2022

  • Việt Nam và Philippines ký hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng

    Việt Nam và Philippines ký hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng

    13:36, 24/11/2022

LÊ CƯỜNG