Tăng giá điện tác động thế nào đến vật liệu xây dựng?
Từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ tăng 3% và được dự báo sẽ làm tăng giá hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt, thép và xi măng.
>>Hà Nội: Hạn chế phát triển nhà cao tầng trong nội đô
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với giá hiện hành, tức là tăng 56 đồng/kWh từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng (chưa bao gồm VAT). Quyết định này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.
Tính từ năm 2009 – 2019, giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh mức tăng khoảng 10 lần, trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm.
Báo cáo của Mirae Asset cho rằng, việc tăng giá bán lẻ điện sẽ tác động đến một số ngành sản xuất như xi măng, thép, giấy,… Theo ước tính, đối với các doanh nghiệp lĩnh vực thép, chi phí điện chiếm 9 – 10% giá vốn hàng bán, trong khi lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14 – 15% giá vốn hàng bán và 9 – 10% giá vốn hàng bán dành cho các doanh nghiệp lớn sở hữu lò quay xi măng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng phải gia tăng giá bán khoảng 0,4%.
Dựa trên ước tính của Mirae Asset, bởi mức điều chỉnh giá điện khiến giá vốn tăng cao, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xi măng giảm 13% và ngành thép giảm đến 15%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chi phí điện tăng bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng nhằm hạn chế việc gia tăng chi phí đầu vào.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nếu áp dụng giá điện mới, các doanh buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất và người tiêu dùng sẽ phải chịu phần chi phí tăng thêm này.
>>Tạo nguồn tài chính cho Quỹ phát triển đất
Trước những nỗ lực gần đây của Chính phủ và các bộ ban ngành để thúc đẩy kinh tế, các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ dần ấm lên để các doanh nghiệp xả hết tồn kho và quay lại đà tăng trưởng. Các nhà kinh tế cũng lo ngại về tình trạng “té nước theo mưa” và các nhà sản xuất sẽ lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hoá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Trước hết là yêu cầu tất cả DN đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của DN khi giá điện tăng 3%, tránh tình trạng điện tăng 3% thì DN cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn.
Đồng thời cần có giải pháp tránh lợi dụng việc tăng giá điện để lôi kéo các mặt hàng ở thị trường, chợ dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…
Có thể bạn quan tâm