Thị phần tín dụng tiêu dùng của các nhóm ngân hàng ra sao?

Châu Huệ 03/01/2018 06:10

Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), trong khi thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm NHTM Nhà nước tăng mạnh thì nhóm NHTM Cổ phần lại giảm nhẹ.

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng trưởng từ cuối năm 2015. Năm 2017 tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%, trong khi đó năm 2016 là 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017).

Cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất, năm 2017 chiếm 52,9% (năm 2016 chiếm 49,5%), tốc độ tăng trưởng là 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%). Cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%.

Thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm NHTM Nhà nước tăng mạnh, từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% cuối năm 2017; nhóm NHTM Cổ phần chiếm 42,4%, giảm nhẹ từ mức 47% cuối năm 2016; nhóm CTy TC&CTTC chiếm 7,6% (năm 2016 là 9,3%), còn lại là nhóm NH nước ngoài. Trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các TCTD và dự báo tăng trưởng cao.

Cũng theo báo cáo của NFSC, năm 2017, tín dụng ước tăng khoảng 18,7%- 19,3% (năm 2016 tăng 19%), hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn có xu hướng giảm sau khi tăng liên tục trong giai đoạn 2013- 2016. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,7% tổng tín dụng (năm 2016 là 55,1%).

Tín dụng theo ngành nghề tập trung cao vào ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ khác tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%), giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện. Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm tỷ trọng khoảng 8,11% tổng tín dụng).

Đáng chú ý, trong dư nợ cho vay hoạt động dịch vụ khác, cho vay đối với ngành hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình có mức tăng trưởng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, tỷ trọng tăng từ 8,8% (năm 2012) lên khoảng 16,1% (năm 2017).

Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ. Tín dụng vào lĩnh vực này tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Trong đó, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%.

Báo cáo NFSC cho biết, cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng tín dụng trong tổng tài sản tăng nhẹ từ 58,5% cuối 2016 lên 60,1%; Tỷ trọng tài sản trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 14,4% xuống 13,8%; Tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính giảm nhẹ từ 16,6% xuống 16,2%.

Cơ cấu nguồn vốn tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (TT1), giảm tỷ trọng vốn liên ngân hàng (TT2): Tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng từ 73,7% lên 76,9%; tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 11,1% xuống 10,8%; Tỷ trọng vốn chủ sở hữu tăng từ 6,2% lên 6,7%.

Thị phần tín dụng và huy động của các nhóm TCTD duy trì tương đối ổn định; nhóm NHTM Nhà nước và Cổ phần vẫn chiếm thị phần lớn nhất. Thị phần cho vay của nhóm NHTM Nhà nước là 51,8%, nhóm NHTM Cổ phần là 41,3%. Thị phần huy động của nhóm NHTM Nhà nước là 49%, nhóm NHTM Cổ phần ở mức 42,4%.

Châu Huệ