Sức ép giảm lãi suất cho vay sẽ bớt áp lực nhờ cách tính lãi mới
Theo các chuyên gia tài chính, khi người đi vay đã được lợi hơn từ cách tính lãi suất mới vừa áp dụng, sức ép ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 và những năm tới có thể cũng sẽ bớt áp lực hơn.
Những ngày giao dịch đầu tiên của năm mới 2018, nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng cách tính lãi mới đối với tiền gửi tiết kiệm và cho vay. Theo đó, các ngân hàng đồng loạt thay đổi cách tính lãi đối với người gửi tiết kiệm và vay tiền kể từ ngày 1/1/2018 theo lãi suất năm, một năm được xác định là 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đây.
Thông báo của Eximbank nêu rõ đối với các tài khoản tiền gửi của khách hàng phát sinh từ ngày 1/1/2018 (gửi tiết kiệm mới, tái đáo hạn…), ngân hàng sẽ tính lãi suất theo tỉ lệ %/năm (365 ngày), thay vì 360 ngày như trước. Đối với các khoản tiền gửi trước ngày 1/1/2018, khi khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn, Eximbank sẽ tiếp tục tính lãi theo phương pháp cũ theo tỉ lệ %/năm (360 ngày) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.
LienVietPostBank cũng thông báo thay đổi cách tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay và phí (bao gồm phí dịch vụ và phí tín dụng) theo cơ sở tính một năm 365 ngày.
Còn tại SeABank, tiền lãi được tính trên cơ sở số dư thực tế, lãi suất và số ngày trong kỳ tính lãi; lãi suất được quy định thống nhất theo %/năm (một năm là 365 ngày). Các ngân hàng BIDV, VIB, ACB... cũng đồng loạt thay đổi cách tính mới.
Theo các ngân hàng, sự thay đổi này nhằm tuân thủ Thông tư số 14/2017của Ngân hàng Nhà nước quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Như vậy, với cách tính lãi mới, người gửi tiền sẽ nhận lãi ít hơn so với cách tính trước đây.
Cụ thể, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 7%/năm kỳ hạn 1 tháng (30 ngày), nếu tính lãi 1 năm 360 ngày thì lãi suất tiết kiệm 1 tháng là 0,583%, nhưng khi tính 1 năm 365 ngày thì lãi tiết kiệm mỗi tháng giảm xuống còn 0,575%. Ngược lại, với khách hàng vay vốn, tiền lãi phải trả theo cách tính mới 360 ngày sẽ ít hơn.
Cách tính lãi mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận của ngân hàng. Do lãi suất tiền gửi thấp hơn lãi suất cho vay, nên các ngân hàng sẽ phải cho vay nhiều hơn nếu muốn thu về lợi nhuận như cũ.
Cũng theo chuyên gia tài chính, khi người đi vay đã được lợi hơn từ cách tính lãi suất mới trên, sức ép ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 và những năm tới có thể cũng sẽ bớt áp lực hơn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thay đổi cách tính lãi là cơ sở để các ngân hàng thương mại thống nhất cách tính lãi vay và lãi tiền gửi. Trước đó, có ngân hàng thu lãi theo ngày thực tế 365 ngày hoặc 366 ngày (năm nhuận) nhưng khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trong hợp đồng về lãi suất ngày thì tính 360 ngày, dẫn đến vướng mắc hoặc khiếu nại giữa khách hàng với ngân hàng.
Do vậy, với việc áp dụng cách tính lãi thống nhất sẽ giúp kách hàng không còn khiếu nại hay khởi kiện ngân hàng vi phạm về số ngày tính tiền lãi như trước. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai thông tin về phương pháp tính lãi tại trụ sở, trên website giúp hoạt động huy động vốn, cho vay minh bạch về lãi suất hơn.