Thị trường tài chính Việt Nam 2018 dưới góc nhìn của NFSC có gì đáng chú ý?
Theo Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), năm 2018, dự báo hệ thống tài chính tiếp tục đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, khoảng 19,3% so với cuối năm 2017.
Cơ cấu nguồn cung ứng bền vững hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và tăng nguồn trung dài hạn từ thị trường vốn. Dự kiến, cung ứng từ thị trường vốn tăng 22,5% và từ hệ thống TCTD vào khoảng 17,5%.
Dự báo năm 2018, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, mức tăng trưởng tương đương với 3 năm gần đây, vào khoảng 18% -19%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh, có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung dài hạn và tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn.
NFSC cho biết, tín dụng tiêu dùng dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao và là mảng hoạt động chiến lược của nhiều ngân hàng trong năm tới. Chất lượng tín dụng được cải thiện nhờ xử lý quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, các TCTD yếu kém đặc biệt là 3 ngân hàng 0 đồng đang có những dấu hiệu tích cực, khuôn khổ pháp lý cho xử lý tài sản xấu dần được hoàn thiện, các yếu tố kinh tế vĩ mô hỗ trợ mạnh.
Về thanh khoản hệ thống năm 2018 được dự báo tương đối ổn định. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn có xu hướng giảm do các TCTD đang chủ động cơ cấu lại nguồn và sử dụng nguồn, xu hướng tăng cho vay ngắn hạn và tăng huy động tiền gửi kỳ hạn dài và phát hành GTCG.
Lãi suất huy động và cho vay VND năm 2018 dự báo khá ổn định so với năm 2017, với biên độ giao động khoảng 0,2 điểm %. Lãi suất có thể có biến động nhẹ và cục bộ do: yếu tố mùa vụ vào đầu năm do Tết Nguyên đán và vào cuối năm do nhu cầu tín dụng thường tăng cao; Một số TCTD buộc phải tăng huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định; Một số TCTD tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về CAR theo Basel II.
Về khả năng hạ lãi suất VND, Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng những yếu tố còn hỗ trợ thuận lợi cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay: thứ nhất, các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, áp lực từ phía tỷ giá không lớn. Thứ hai, nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn do cơ chế hỗ trợ từ Nghị Quyết số 42. Thứ ba, dự báo kết quả kinh doanh hệ thống tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định, các TCTD yếu kém có chuyển biến tích cực
Tỷ giá năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục ổn định. Tỷ giá trong năm 2018 có nhiều yếu tố hỗ trợ đó là: Cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tại các nước mới nổi và đang phát triển tiếp tục xu thế tăng so với năm trước (IMF, WEO-T10); Dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực. Trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đang có xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, NFSC cho rằng, tần suất tăng lãi suất của Fed trong năm 2018 sẽ nhiều hơn tạo kỳ vọng đồng USD tăng giá trở lại. FED được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018, với lộ trình dần dần đưa lãi suất cơ bản về mức 3%. Do đó, tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5-2% là khá hợp lý, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.