Bất ngờ giảm lãi suất OMO sau nhiều năm, NHNN toan tính gì?

Châu Huệ 15/01/2018 10:07

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO). Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014 nhà điều hành chính sách tiền tệ mới điều chỉnh mức lãi suất này.

Lãi suất

Lãi suất OMO giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Theo đó, thị trường đã ghi nhận Ngân hàng Nhà nước hạ mức lãi suất trên, nhưng chỉ với một bước nhỏ: giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Lần gần nhất vào ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trong đó lãi suất OMO giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Mức 5%/năm nói trên duy trì suốt gần 5 năm qua, dù nhiều điều kiện thị trường đã thay đổi lớn, ngay cả sau khi đã có đợt giảm các lãi suất điều hành vào tháng 7/2017.

Đây là bước cụ thể hóa thông điệp của Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành vừa qua, nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay - một nội dung trọng tâm của 2018.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Chỉ thị số 01 triển khai nhiệm vụ hoạt động ngành ngân hàng năm 2018.

"Trong đó, một trong những nội dung điều hành là chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay" - Thống đốc nói.

Hơn hai năm qua, lãi suất cho vay VND hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên OMO vẫn giữ nguyên 5%/năm. Năm 2017, với thanh khoản hệ thống dồi dào, cũng như cho đến thời điểm này, nhu cầu vay vốn của các thành viên qua kênh này không lớn.

Tuy nhiên, khi nhu cầu của các tổ chức tín dụng tăng lên cũng như lãi suất này giảm xuống sẽ kích thích thêm nhu cầu, thì việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm sẽ trực tiếp hỗ trợ một phần chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Việc điều chỉnh lãi suất OMO cũng diễn ra trước thềm mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, cận Tết Nguyên đán.

Đánh giá về mức giảm này, một số chuyên gia tài chính cho rằng đây là bức giảm khá nhỏ và chưa nhiều ý nghĩa đối với thị trường. Tuy nhiên, đây là tín hiệu từ nhà điều hành, cũng như mức điều chỉnh có tác dụng trực tiếp đối với chi phí vay vốn của các thành viên tiếp cận kênh OMO khi nhu cầu vốn mùa cao điểm thanh toán và chi trả đang đến gần.

Trước đó, tại thời điểm năm 2010-2011, khi thị trường tiền tệ căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng được đẩy lên mức cao, động thái hạ lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước thời gian đó đã trợ giúp các ngân hàng thương mại hạ nhiệt lãi suất huy động và cho vay. Tháng 7/2011, lãi suất OMO cao gấp 2,5 lần hiện tại, ở mức 4,5%.

Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt. Cụ thể, ngày 10/7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Năm qua, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm.

Các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.

Tín hiệu một giai đoạn mới

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Cụ thể: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa ban hành mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho những đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, lãi suất nhiều khoản vay giảm chỉ còn 6%/năm, áp dụng cho những khoản giải ngân mới áp dụng từ nay cho đến hết 2018.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, kể từ 15/1, BIDV sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi, với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Trong một động thái tương tự, VPBank cũng thông báo từ 1/1/2018 sẽ giảm từ 0,5%-1% lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường,... 

Châu Huệ