“Gỡ” rào cản xử lý nợ xấu
Việc xử lý nợ xấu đã và đang đạt được kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hàng vẫn còn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu dưới 3% mà Chính phủ đã đề ra đến năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nợ xấu của hệ thống đã giảm khá mạnh trong năm 2017. Theo đó, đến cuối tháng 11/2017, ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD là 2,3%; tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu so với tổng dự nợ ước tính đến cuối 2017 giảm xuống còn 7,91% so với mức 10,08% cuối 2016.
Kết quả xử lý nợ tích cực
Theo báo cáo của NHNN, tổng các khoản nợ xấu được xử lý được trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, phần lớn do khách hàng trả nợ và các TCTD trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Từ năm 2012 (thời điểm chính thức nhận diện một cách đầy đủ và triển khai đề án xử lý nợ xấu) đến hết tháng 11/2017, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 705,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 407,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,81%, còn lại là bán nợ.
Mặc dù mới chỉ bắt đầu có hiệu lực trong gần 5 tháng cuối năm 2017, nhưng Nghị quyết 42 của Quốc hội về hỗ trợ xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi tình trạng nợ xấu.
Theo đánh giá bước đầu của NHNN đến 31/12/2017, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được trên 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết nói trên.
Khi xử lý nợ xấu có hiệu quả, thì quỹ trích lập dự phòng rủi ro sẽ chảy vào lợi nhuận của ngân hàng, và các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Nợ xấu đang tác động tới ngành ngân hàng ở ba điểm chính: trích lập dự phòng, tính thanh khoản và uy tín kinh doanh của ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng – cho biết, nợ xấu của các ngân hàng được phân loại theo nhóm 3, nhóm 4 hoặc nhóm 5 để tiến hành trích lập dự phòng, điều này tác động tiêu cực tới lợi nhuận của ngành ngân hàng. Các ngân hàng sẽ tiến hành khấu trừ tỷ lệ dự phòng theo các mức 20%, 50%, thậm chí 100%. Đó chính là tác động đầu tiên của nợ xấu tới các ngân hàng.
Thứ hai, nợ xấu sẽ giảm tính thanh khoản của ngân hàng. Nợ xấu sẽ tác động tới dòng tiền quay vòng của ngân hàng. Khi khoản nợ có thời hạn không được thanh toán đúng thời hạn thì sẽ không có dòng tiền quay lại ngân hàng để ngân hàng tiếp tục cho vay hoặc đầu tư. Việc thiếu hụt một lượng tiền sẽ tạo khoảng trống xoay vòng tiền khiến các ngân hàng phải tự bù đắp bằng cách huy động tiền gửi. Điều này có thể tác động tới quy mô hoạt động của các ngân hàng.
Thứ ba, nợ xấu sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. “Nợ xấu càng cao thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ càng gặp nhiều rủi ro, khiến khách hàng mất niềm tin vào ngân hàng” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro
Trong năm qua, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng đã có chuyển biến tích cực một phần lớn nhờ vào Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã trao thêm quyền lực cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Ngoài ra, Nghị quyết 42 cho phép hình thành thị trường mua bán nợ xấu, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 42 cần phải được tiến hành mạnh mẽ hơn, có sự phối hợp giữa các ngành liên quan như cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước… trong việc hỗ trợ các ngân hàng khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.
“Đâu đó trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn những thiếu sót trong việc xử lý tài sản thế chấp, mặc dù đã có quy định về quyền thế chấp của các ngân hàng. Do đó, cần bổ sung khung pháp lý và trao quyền tuyệt đối cho ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh và khuyến nghị, các ngân hàng cũng cần phải có kế hoạch giải quyết nợ xấu thường xuyên, liên tục, không nên chỉ dựa vào Nghị quyết 42. Bởi Nghị quyết 42 không phải là giải pháp lâu dài giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu vì Nghị quyết chỉ có hiệu lực trong 5 năm.
Nợ xấu là điều tất yếu của ngân hàng khi còn hoạt động cho vay. Do đó, bản thân các ngân hàng cần phải có kế hoạch quản trị rủi ro dài hạn, tránh khoảng trống quá lớn đối với dòng tiền luân chuyển trong ngân hàng.