Đồng đô la Mỹ suy yếu tác động thế nào đến Việt Nam?
Phát biểu mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về đồng đô la yếu sẽ có lợi cho thương mại và kinh tế Mỹ đã làm tỷ giá USD giảm ngay sau đó. Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thương mại của Việt Nam.
Việc đồng đô la Mỹ suy yếu ít nhất là trong ngắn hạn của giới chức Mỹ trước tiên là rất thuận lợi cho chính sách duy trì ổn định tỷ giá tiền Đồng (VND/USD) mặc định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN hôm nay công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.419 đồng (giảm 6 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.710 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.078 đồng (không đổi).
Hiện nay, giá trị của của tiền đồng vẫn phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ nên khi đồng đô la suy yếu cũng khiến tiền đồng bị suy yếu với nhiều bản tệ khác. Đây là một trong những nhân tố tác động mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu, khi đồng nội tệ tăng giá sẽ khiến hàng hóa trong nước trở nên đắt đỏ và khuyến khích hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Ở chiều ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu và gây nhiều bất lợi cho hoạt động nhập khẩu.
Về mặt lý thuyết, nếu tiền đồng được định giá cao, hàng hóa nội địa sẽ mất dần tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại; ngược lại nếu tiền đồng được định giá thấp, hàng hóa trong nước có tính cạnh tranh hơn, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Song trong thực tế, tỷ giá và cán cân thương mại tại Việt Nam ít thấy mối quan hệ chặt chẽ theo lý thuyết.
Theo một số chuyên gia kinh tế, không nên neo cố định tỷ giá tiền đồng với đô la Mỹ như hiện nay, điều này sẽ ảnh hưởng không thuận lợi đến cán cân thương mại ở khía cạnh là tiền đồng quá lệ thuộc vào USD. Nếu theo giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu sau thị trường Mỹ chúng ta vẫn có khối lượng giao dịch đáng kể bằng các đồng tiền khác, chẳng hạn bằng Euro với EU và bằng Yen với Nhật Bản và Tệ với Trung Quốc. Ngoài ra, vay nợ bằng Euro và Yen cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng nợ nước ngoài.
Về việc neo tỷ giá ở mức nào cũng là điều cần phải xem xét hai mặt. Nếu giữ tỷ giá ở mức thấp (đồng nội tệ có giá trị cao) thì doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu được lợi, và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu giữ tỷ giá ở mức cao (đồng nội tệ có giá trị thấp), thì gánh nặng trả nợ cho các khoản nợ phải trả bằng USD cũng sẽ cao lên. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ phải chi nhiều tiền đồng hơn để mua USD trả nợ. Đối với quốc gia cũng vậy.
Một số đối tượng khác tại Việt Nam sẽ bị tác động không có lợi nếu nhìn từ tuyên bố của ông Mnuchin (nhưng không liên quan trực tiếp đến chủ trương để đô la Mỹ suy yếu của ông này). Đó là các ngành liên quan đến sở hữu trí tuệ, thép và nhôm là những mặt hàng được chỉ đích danh. Do Mỹ có thể áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ thương mại nên xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện tại thì thép đã và đang là nạn nhân của chính sách tăng cường bảo hộ của Mỹ chống lại những hành động mà nước này cho là gian lận thương mại, ví dụ như để hàng Trung Quốc đội lốt là hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.