Đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý trong năm 2018

Linh Nga 08/02/2018 06:10

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng cân đối khả năng tài chính, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động để đưa ra mức lãi suất cho vay hợp lý.

Theo đó, sau gần 05 năm giữ nguyên mức lãi suất OMO ở mức 5%/năm, ngày 15/01/2018, NHNN đã điều chỉnh giảm mức lãi suất chào mua trên OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, gồm: Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV đã giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực: hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.

Theo đó, sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay của khối NHTM nhà nước (chiếm khoảng trên 48% thị phần cấp tín dụng của toàn hệ thống TCTD) phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn. Như vậy, mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ TCTD thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Năm 2018, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Do đó, 05 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2018, gồm: Thứ nhất, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở (OMO); Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; Thứ ba, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt; Thứ tư, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn; Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.

Linh Nga